Quyết định của EU áp giá trần với dầu Nga bán ra thị trường quốc tế đang khiến thị trường dầu mỏ thế giới diễn biến khó lường. (Nguồn: almayadeen) |
Thực ra, EU cũng không dám quá mạnh tay trong quyết định của mình. Thay vì áp giá trần 30 USD/thùng như yêu cầu của Ba Lan và các nước Baltic, EU đã chọn mức giá 60 USD/thùng, thấp hơn một chút so với giá dầu Urals mà Nga đang bán hiện nay, để thị trường không bị sốc quá mạnh.
Lý do là bởi Nga là một trong những nhà cung cấp dầu hàng đầu thế giới. Năm 2021, Nga xuất khẩu 8,23 triệu thùng/ngày, chiếm 12,3% lượng dầu bán ra thị trường quốc tế. Nếu như nguồn cung từ Nga bất ngờ sụt giảm, thị trường năng lượng thế giới vốn đang căng thẳng sẽ “nóng” thêm.
Mối lo này đang trở thành hiện thực khi Nga tuyên bố không chấp nhận mức giá trần nói trên và sẽ không bán dầu với mức giá hạn chế như vậy, ngay cả khi phải cắt giảm sản lượng. Moscow đang chuẩn bị một sắc lệnh cấm các công ty và thương nhân Nga giao dịch với các quốc gia và công ty áp dụng mức giá trần.
Trong khi đó, trong cuộc họp hôm 4/12, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và các đối tác (OPEC+) cho biết vẫn tiếp tục thực hiện kế hoạch cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày như đã định. Như vậy, những đồn đoán về việc OPEC+ sẽ tăng sản lượng để bù đắp khả năng sụt giảm sản lượng của Nga đã không thành hiện thực.
Trong bối cảnh mùa Đông đang ngày càng băng giá, cỗ máy sản xuất Trung Quốc có thể hoạt động mạnh trở lại sau khi Bắc Kinh quyết định nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19, thế giới lo ngại nhu cầu tăng lên có thể tiếp tục gây biến động về giá.
Với EU, hiện khu vực này đang phải vất vả đối phó với tình trạng giá nhiên liệu tăng đột biến. Kịch bản “áp giá trần” có thể khiến EU kẹt sâu thêm trong cuộc khủng hoảng năng lượng.