Đại sứ Qatar tại Việt Nam Khalid Ali Abdullah Abel. (Nguồn: ĐSQ Qatar tại Việt Nam) |
Trước thềm Hội nghị Halal toàn quốc “Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam”, Đại sứ Qatar tại Việt Nam Khalid Ali Abdullah Abel đã chia sẻ về tiềm năng hợp tác Việt Nam-Qatar trong ngành công nghiệp Halal, đồng thời đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp Việt Nam đang tìm cách thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm theo tiêu chuẩn Halal.
Việt Nam đang hướng tới mục tiêu xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030. Đại sứ có thể đánh giá triển vọng của ngành công nghiệp Halal tại Việt Nam?
Ngành công nghiệp Halal không chỉ đơn thuần là thực phẩm, mà là một hệ sinh thái bao trùm từ sản xuất thực phẩm cho đến hàng hóa tiêu dung, dịch vụ. Từ ‘Halal’ là một thuật ngữ Arab có nghĩa “được phép” hoặc “hợp pháp” theo Luật Hồi giáo. Do đó, người Hồi giáo phải bảo đảm rằng bất cứ thứ gì họ tiêu thụ đều có nguồn gốc từ Halal.
Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển ngành công nghiệp Halal nhờ vị trí địa lý gần các quốc gia Hồi giáo lớn (Indonesia và Malaysia) được coi là thị trường Halal lớn nhất. Bên cạnh sản lượng nông nghiệp khổng lồ (rau, trái cây, gạo, cà phê, trà, hạt tiêu, gia vị, cao su, hạt điều....), Việt Nam cũng có thể tận dụng tất cả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết với các đối tác để thúc đẩy lĩnh vực Halal. Với những lợi thế đó, tôi tin rằng tương lai của ngành công nghiệp Halal tại Việt Nam rất hứa hẹn.
Việt Nam đã định vị được tầm quan trọng của ngành công nghiệp Halal và có nhiều hành động tích cực để thúc đẩy ngành này, như thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia. Tôi cho rằng đây là một bước tiến quan trọng để tiếp cận các thị trường Halal lớn.
Ngoài ra, tôi được biết rằng Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030”. Đề án này sẽ giúp làm sâu sắc hơn mối quan hệ của Việt Nam với các nước Hồi giáo lớn và mở đường cho các sản phẩm của Việt Nam vào thị trường Halal.
Thị trường Halal đang bùng nổ trên toàn cầu và ngành công nghiệp Halal có lợi cho sự phát triển kinh tế của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Như chúng ta đã biết, thị trường Halal chiếm 25% dân số thế giới và các sản phẩm Halal đạt gần 2,3 nghìn tỷ USD. Việt Nam đã nỗ lực rất nhiều để phát triển ngành công nghiệp quan trọng này và cần đầu tư hơn nữa vào thị trường Halal. Tôi tin rằng, những bước đi đúng đắn sẽ dẫn đến sự phát triển của ngành công nghiệp Halal và thu hút thêm khách du lịch từ các nước Hồi giáo tới Việt Nam.
"Việt Nam đã định vị được tầm quan trọng của ngành công nghiệp Halal và có nhiều hành động tích cực để thúc đẩy ngành này, như thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia. Tôi cho rằng đây là một bước tiến quan trọng để tiếp cận các thị trường Halal lớn." (Đại sứ Qatar tại Việt Nam Khalid Ali Abdullah Abel) |
Vậy Việt Nam và Qatar đang đứng trước những cơ hội, tiềm năng hợp tác gì trong ngành công nghiệp Halal rộng lớn? Đại sứ có thể chia sẻ một số ưu tiên của Đại sứ quán để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này không?
Nhà nước Qatar là một quốc gia Hồi giáo quan tâm đặc biệt đến các sản phẩm Halal, và những nỗ lực của Qatar trong lĩnh vực này đã được thế giới ghi nhận. Có thể nói, cơ hội hợp tác giữa Qatar và Việt Nam trong lĩnh vực Halal là rất rộng lớn, ví dụ như việc cấp chứng chỉ Halal. Bên cạnh đó, Qatar có thể giúp Việt Nam đáp ứng các yêu cầu của ngành công nghiệp Halal, cũng có thể giúp đào tạo người Việt Nam làm việc trong lĩnh vực này.
Qatar là một trung tâm kinh tế Halal đang phát triển mạnh mẽ và đã khẳng định vị thế là một quốc gia dẫn đầu trong ngành công nghiệp thực phẩm Halal của khu vực với các công ty chủ chốt trên thị trường như Hassad Food, qua đó thúc đẩy an ninh lương thực, tính bền vững và đổi mới sáng tạo. Thị trường Halal của Qatar trị giá 156,4 tỷ USD và đang thúc đẩy tinh thần hợp tác thông qua các sáng kiến của Bộ Thương mại và Công nghiệp Qatar và các doanh nghiệp khác trong lĩnh vực này.
Hơn nữa, Chính phủ Nhà nước Qatar đã thành lập Nhóm Kiểm soát chất lượng Halal (HQC) cam kết cung cấp các giải pháp toàn diện giúp các doanh nghiệp vượt qua những thách thức trong lĩnh vực này. Cách tiếp cận chính của nhóm này là hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chủ chốt chịu trách nhiệm quản lý và xác minh tiêu chuẩn Halal của các sản phẩm nhập khẩu. Nhóm Kiểm soát chất lượng Halal đã có kinh nghiệm chứng nhận Halal trong nhiều thập kỷ thông qua các cơ quan chứng nhận Halal tại châu Âu.
Về phần mình, tôi sẽ hết sức để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong ngành công nghiệp Halal. Như bạn đã biết, ngành nông nghiệp của Việt Nam rất lớn nhưng lại thiếu một số yếu tố kỹ thuật quan trọng, chẳng hạn như sản xuất, dịch vụ và cơ sở hạ tầng.
Việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Qatar trong lĩnh vực này có thể giúp bảo đảm an ninh lương thực, không chỉ cho hai quốc gia mà còn cho toàn thế giới. Bên cạnh đó, chúng ta còn thúc đẩy hợp tác kinh tế và du lịch song phương.
Hơn nữa, Việt Nam nổi tiếng với sản lượng thủy sản lớn, trong khi Qatar lại là một trong những nước nhập khẩu lớn. Hai nước chúng ta có thể hợp tác trong lĩnh vực này bằng cách áp dụng tất cả các quy trình an toàn, để Qatar bắt đầu nhập khẩu hải sản từ Việt Nam.
Chúng ta cũng có thể hợp tác kết nối các doanh nghiệp ở cả hai nước để họ trực tiếp làm việc, đưa Việt Nam thâm nhập thị trường Halal Trung Đông.
Đại sứ Qatar Khalid Ali Abdullah Abel gặp Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công thảo luận về triển vọng hợp tác thương mại song phương, tháng 8/2023. (Nguồn: ĐSQ Qatar tại Việt Nam) |
Đại sứ có nhắn nhủ điều gì với các doanh nghiệp Việt Nam đang tìm cách thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm theo tiêu chuẩn Halal không?
Tiêu chuẩn Halal ngày càng trở nên phổ biến và quan trọng trên toàn cầu, đặc biệt về mặt vệ sinh, an toàn và mang lại cơ hội lớn cho nhiều quốc gia. Do đó, lời khuyên của tôi dành cho các doanh nghiệp Việt Nam như sau:
Trước hết, các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm kiếm chứng nhận Halal từ các quốc gia Hồi giáo trong khu vực hoặc ở Trung Đông để đạt được tiêu chuẩn Halal.
Thứ hai, doanh nghiệp cần tăng cường kết nối thương mại với các công ty Halal ở các quốc gia Hồi giáo và áp dụng các quy định nghiêm ngặt về tiêu chuẩn Halal đối với các sản phẩm và dịch vụ Halal.
Thứ ba, nên cân nhắc thuê các chuyên gia về tiêu chuẩn Halal từ các quốc gia Hồi giáo. Ngoài ra, cần phải chú ý hơn đến tính minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc.
Cuối cùng và trên hết là sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam đối với các doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp Halal.
Vậy đối với thị trường Halal trị giá 156,4 tỷ USD của Qatar, cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam nằm ở đâu và họ cần lưu ý điều gì, thưa Đại sứ?
Có rất nhiều cơ hội hợp tác thuận lợi giữa hai quốc gia chúng ta, bởi thị trường Halal của Qatar cần khối lượng lớn các mặt hàng nông sản, trong đó Việt Nam có thể đóng góp một phần lớn. Bên cạnh đó, Việt Nam có sản lượng thủy sản lớn và có thể xuất khẩu một số sản phẩm này sang Qatar.
Tuy nhiên, như tôi đã đề cập ở trên, các doanh nghiệp Việt Nam nên chú ý đến vệ sinh, an toàn, và tìm kiếm chứng nhận Halal từ các quốc gia Hồi giáo trong khu vực hoặc ở Trung Đông, đạt được tiêu chuẩn Halal; tăng cường kết nối thương mại với các công ty Halal tại Qatar; áp dụng các quy định nghiêm ngặt về tiêu chuẩn Halal và các sản phẩm và dịch vụ Halal; thuê các chuyên gia về tiêu chuẩn Halal từ các quốc gia Hồi giáo để đào tạo người Việt Nam làm việc trong lĩnh vực này; và chú ý nhiều đến tính minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc.
Xin cảm ơn Đại sứ!
"Về phần mình, tôi sẽ hết sức để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong ngành công nghiệp Halal." (Đại sứ Qatar tại Việt Nam Khalid Ali Abdullah Abel) |
Qatar là một trung tâm kinh tế Halal đang phát triển mạnh mẽ. (Nguồn: The Peninsula Qatar) |