Số lượng người thất nghiệp có thể tăng lên mức cao nhất trong gần một thập kỷ. (Nguồn: 123RF) |
Nghiên cứu của IW chỉ ra, tỷ lệ thất nghiệp trung bình trong năm 2024 có thể lên tới 2,8 triệu người, cao nhất kể từ năm 2015. Mặc dù con số này vẫn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh điểm gần 5 triệu người thất nghiệp vào năm 2005, đây vẫn là hồi chuông cảnh báo đáng lo ngại cho nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Chuyên gia thị trường lao động IW Holger Schaefer nhận định: “Thị trường lao động đã thể hiện sự ổn định đáng ngưỡng mộ vào năm ngoái bất chấp suy thoái, nhưng hiện nay chúng ta đang phải đối mặt với những hậu quả nặng nề”.
Dữ liệu về việc làm của các doanh nghiệp cũng cho thấy không có dấu hiệu tăng trưởng trong phần còn lại của năm, với số lượng vị trí tuyển dụng mới giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua vào tháng 3.
IW dự báo tỷ lệ thất nghiệp sẽ đạt 6% vào năm 2024, cao hơn mức dự báo 5,8% của các viện kinh tế khác. Tuy nhiên, một số chuyên gia lại đưa ra viễn cảnh lạc quan hơn, dự đoán tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm nhẹ từ 5,8% trong năm 2024 xuống còn 5,5% vào năm 2025, tương đương với chỉ dưới 2,7 triệu người thất nghiệp, mang đến tia hy vọng cho thị trường lao động.
Mặc dù nền kinh tế Đức suy giảm 0,3% vào năm 2023, số người có việc làm vẫn ghi nhận mức tăng 340.000 (khoảng 0,7%). Lý do được cho là các công ty có xu hướng tích trữ lao động để đề phòng tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực trong tương lai.
Tuy nhiên, chuyên gia Schaefer cảnh báo rằng xu hướng này chỉ mang tính tạm thời. Khi suy thoái kéo dài, khả năng điều chỉnh nhân sự sẽ ngày càng cao, vì năng suất lao động giảm sút sẽ làm suy yếu khả năng cạnh tranh của các công ty.
Thị trường lao động Đức đang ở ngã rẽ với nhiều ẩn số khó đoán. Việc theo dõi chặt chẽ tình hình kinh tế và thị trường lao động là vô cùng cần thiết để có biện pháp can thiệp kịp thời, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của suy thoái và hướng đến sự phát triển bền vững trong tương lai.