Đầu tháng 8.2008, hai hãng ô tô danh tiếng là Toyota và Honda tuyên bố tăng giá bán. Thị trường ô tô đang ế ẩm, vì sao hai hãng này vẫn tăng giá?
Ngạc nhiên!
Theo thông báo của hai hãng này, mức tăng cao nhất là hơn 2.000 USD (đối với xe Honda Civic 2.0 AT) và thấp nhất là 100 USD (Toyota Vios MT).
Đây là lần thứ hai trong năm nay Toyota tăng giá bán xe (lần đầu vào tháng 6.2008) mà theo hãng này là vì "tình thế bắt buộc". Chẳng hạn thuế nhập khẩu linh kiện tăng ít nhất 2 lần trong năm (Quyết định 25 ngày 20.5 và Quyết định 37 ngày 26.6.2008 của Bộ Tài chính), các khoản phí kho bãi, vận chuyển... tăng mạnh. Ngoài 2 hãng trên, nhiều hãng ô tô còn lại đều cho biết sẽ tăng giá trong thời gian tới khi thị trường sáng sủa hơn một chút.
Từ ngày 22.8, Bộ Công thương sẽ siết chặt "quota" nhập khẩu ô tô thông qua việc cấp phép nhập khẩu tự động cho các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô. Khi làm thủ tục nhập khẩu, doanh nghiệp ngoài bộ hồ sơ nhập khẩu theo quy định còn phải xuất trình cho cơ quan hải quan đơn đăng ký nhập khẩu đã được Bộ Công thương xác nhận. |
Động thái này của Toyota và Honda gây ngạc nhiên cho giới kinh doanh ô tô. Không ít người cho rằng trong bối cảnh ảm đạm của thị trường hiện nay, việc tăng giá là khó hiểu. Một nhà kinh doanh ô tô lão luyện bình luận: "Tăng giá khi thị trường yếu ớt sức mua chính là chiêu của các đại gia để kéo lại khách mua. Tôi tăng giá bán nhưng vì anh là chỗ quen biết nên tôi chỉ lấy giá cũ! Người tiêu dùng một lần nữa bị đưa vào bẫy".
Trong khi đó, ông Hoàng Phi Dũng - Phó tổng trưởng phụ trách kinh doanh phía Nam của GM Daewoo cho biết, đến thời điểm này GM Daewoo vẫn chưa có kế hoạch tăng giá bán mà tập trung vào xử lý các hợp đồng đã đặt cọc. Ở công ty này, áp lực đang đè nặng vào hệ thống đại lý khi phải "ôm" quá nhiều tiền đặt cọc... của chính họ. Nghĩa là, họ đang phải trả giá cho việc vài tháng trước đây khi thị trường hút hàng, các đại lý đã lấy tiền nhà đặt cọc xe để bán ra kiếm lời nhờ khoản "chung chi" để lấy xe sớm từ phía người mua. Khi thị trường đảo chiều cũng là lúc các hợp đồng "ảo" đổ bể, người mua không có trong lúc xe đã xuất kho.Thị phần ô tô trong nước đang u ám, thị phần ô tô nhập khẩu càng bi đát hơn. Anh Bình, một nhà kinh doanh xe nhập khẩu cho biết, hầu như các salon lớn tại TP.HCM đều gặp tình trạng khách bỏ tiền cọc, hủy hợp đồng. Nhiều nhất là các khách hàng hợp đồng mua xe loại cao cấp. Sau khi các salon yêu cầu phải bù chênh lệch do giá USD tăng, có hợp đồng tăng vài trăm triệu đồng, khách đã chọn cách bỏ cọc (khoảng vài chục triệu đồng). Anh Bình cho biết mỗi salon ít nhất cũng bị một hợp đồng bỏ cọc, nhiều như salon H trên đường Trần Hưng Đạo (Q.1, TP.HCM) bị bể tới 5 hợp đồng. Đối với các dòng xe bình dân hơn (giá khoảng 50.000 - 70.000 USD/chiếc), tình hình tiêu thụ chậm thấy rõ so với thời điểm trước tháng 6.2008.
"Ăn theo" phí trước bạ tăng
Trao đổi với PV, tiến sĩ Nguyễn Minh Phong (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội) cho biết: "Các hãng liên doanh sản xuất và lắp ráp xe lãi rất lớn. Thuế tăng, họ vẫn có thể giảm lãi để cùng chia sẻ với khách hàng". Đây cũng chính là chủ trương mà Chính phủ đang kêu gọi các doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng nhau chia sẻ trong lúc khó khăn. Hầu hết các doanh nghiệp đều hưởng ứng, chung vai gánh vác với người dân. Và ngay cả trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô cũng có doanh nghiệp không tăng giá sản phẩm, mặc dù thuế có tăng.
Sau những lần điều chỉnh thuế nhập khẩu linh kiện, cho đến nay, hầu hết các sản phẩm mang thương hiệu Vinaxuki vẫn giữ nguyên giá. Không những vậy, Vinaxuki còn hỗ trợ khách hàng thuế trước bạ, chương trình này vẫn đang được triển khai cho đến hết tháng 8.2008. Bà Bùi Thị Xuân, Phó TGĐ Vinaxuki, cho biết: "Càng khó khăn thì doanh nghiệp càng phải nghĩ ra nhiều cách để giữ giá thành của sản phẩm và điều quan trọng nhất là phải hướng tới lợi ích của khách hàng".
Chắc chắn rằng, không phải vô tình mà các hãng áp dụng mức tăng giá xe từ ngày 1.8. Theo đó, vào khoảng cuối tháng 8, lệ phí trước bạ đối với ô tô con nguyên chiếc được nâng lên tối đa 15% thay cho mức 5% cũ, đồng thời bỏ giới hạn mức khống chế tối đa lệ phí trước bạ là 500 triệu đồng cho mỗi xe theo quy định hiện hành. Thực hiện hạn chế phương tiện ô tô cá nhân, giảm thiểu ách tắc giao thông, nhiều khả năng Hà Nội và TP.HCM sẽ áp mức phí cao nhất (15%). Đây cũng là hai thành phố có sức tiêu thụ xe hơi lớn nhất nước. Một chiếc xe có giá 800 triệu đồng, khi lệ phí trước bạ tăng từ 5% lên 15%, để được lưu thông thì người mua xe phải bỏ ra thêm khoảng 80 triệu đồng. Dĩ nhiên, người tiêu dùng sẽ lựa chọn chi phí rẻ hơn, tức là thay vì phải bỏ thêm 80 triệu, họ sẽ chấp nhận mua xe sớm dù giá xe có tăng thêm 30 - 40 triệu đồng. Diễn biến của thị trường xe trong vài ngày qua đúng như tính toán của các nhà sản xuất. Lượng khách tìm đến các cửa hàng bán xe trên phố Thái Hà, Láng Hạ, Lê Văn Lương... đã tăng cao so với đầu tuần trước dù giá xe tăng. Theo nhận xét của nhiều đại lý, thị trường ô tô sẽ rất sôi động trong tháng 8.2008, cho đến khi quy định mới về lệ phí trước bạ có hiệu lực.
Theo TNO