Giải pháp thời... xăng tăng
Lâu lâu mới thấy cảnh “cháy hàng” ở các cửa hàng xe đạp. Chủ một cửa hàng bán xe ở phố Thái Hà, Hà Nội, cho biết, mỗi ngày bán được khoảng 100 xe, cao hơn trước thời điểm xăng tăng 15-20 chiếc. Theo một số chủ cửa hàng bán xe đạp trên các phố Cầu Giấy, Phố Huế, Bà Triệu, lượng khách tìm mua xe đạp điện đã tăng lên gần gấp đôi so với thời điểm này năm trước.
Vòng quanh các cửa hàng tại Hà Nội trong buổi sáng để hỏi mua xe đạp điện, nhiều khách hàng nhận được câu trả lời thờ ơ: “Hết hàng!”. Những cửa hàng nhiệt tình hơn thì hẹn lại hôm khác, vì “mấy ngày nay lượng khách mua hàng tăng nên không sản xuất hay đặt hàng kịp”.
Thị trường xe đạp điện có nhiều nhãn hiệu như Delta, Five Star, Songtian, Yamaha, Asama, Miyata... Hàng khá đa dạng: sản xuất trong nước, nhập nguyên chiếc từ Trung Quốc, Đài Loan hoặc xe đã qua sử dụng, đa số nhập từ Nhật Bản.
Giá của các loại xe đạp điện đang được bày bán khắp Hà Nội cũng rất đa dạng: một chiếc xe hiệu Delta có giá 3,8 triệu đồng, Greenbik: 3,7 triệu, Thống nhất: 4,6 triệu, xe nhập khẩu chính hiệu của hãng Yamaha dao động từ 3,8 triệu đến 7,5 triệu. Giá xe đạp điện có kiểu dáng tựa như Air Blade có thể lên đến 10 triệu đồng. Loại xe đã qua sử dụng, được thay bình ắc quy và “tút” lại vỏ được bán 3,5-4 triệu đồng/xe, tùy tình trạng. Nhiều người, chủ yếu là người già, học sinh và phụ nữ cho biết: So sánh mức giá này và việc phải chi ra ít nhất 20.000 đồng/lít xăng mỗi ngày, việc mua chiếc xe đạp điện được tính đến như một giải pháp tình thế.
Còn các chủ cửa hàng bán xe đạp điện lại phân tích: “Chỉ 4 triệu đồng cho một chiếc xe đạp. Một bình điện có thể đi được một ngày (35-40 km), tiền sạc là 1.000 đồng/bình, cứ khoảng một năm rưỡi mới phải thay bình sạc (giá 700.000-800.000 đồng). Tính ra mỗi ngày đi xe đạp điện chỉ tốn có 2.000 đến 5.000 đồng. Nếu như người đi xe không cần đèo, chở nặng hay cần chạy với tốc độ nhanh thì loại xe này rất phù hợp. Do vậy, nhiều phụ huynh đã chọn mua xe đạp điện cho con”.
Không chỉ dành cho học sinh, xe đạp điện còn được nhiều người lựa chọn để “né” không phải đội mũ bảo hiểm.
Thiếu một tầm nhìn
Theo dự đoán của nhiều doanh nghiệp, ăn theo việc tăng giá xăng cộng với thời điểm nhập học đang tới gần, chắc chắn các sản phẩm xe điện, đặc biệt là xe đạp điện, sẽ tiêu thụ mạnh. Cơ hội này mở ra cho nhiều doanh nghiệp kinh doanh xe điện một giải pháp mới. Đó là, tăng cường sản xuất phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.
Tuy nhiên, sau đợt tăng giá xăng dầu vừa qua, người tiêu dùng phải xếp hàng mua xe đạp điện… ngoại, chứng tỏ sự bị động của các doanh nghiệp Việt Nam. Những ngày qua, khi cơn sốt xe đạp điện bùng lên, nhiều cửa hàng bán lẻ cả trăm chiếc/ngày, thì chỉ có các nhà phân phối xe đạp điện cho Trung Quốc, Đài Loan nhập hàng không đủ bán. Trong khi đó, các nhà sản xuất trong nước gần như đứng ngoài cuộc.
Theo ông Trần Xuân Minh, Trưởng phòng Kinh doanh công ty Thống Nhất, sản xuất xe đạp điện không quá phức tạp, nhưng quan trọng nhất là phần điều khiển, các nhà sản xuất trong nước chưa đầu tư sản xuất. Còn ông Trần Văn Thanh, Phó Giám đốc công ty Martin 107 nhận xét: “Đa phần công ty ở Việt Nam đều chỉ có thể sản xuất khung xe. Còn phần cung cấp điện, phần máy và phần động cơ đều phải nhập”.
Theo đại diện phòng tiêu thụ thị trường của công ty Pinaco, việc xe đạp điện và xe máy điện được sử dụng ngày càng nhiều đã mở ra cơ hội kinh doanh cho các công ty sản xuất ắc quy. Nhưng sản xuất ắc quy cho xe điện phải theo công thức riêng. Pinaco phải nghiên cứu kỹ hơn các điều kiện khác biệt của thị trường Việt Nam. Hiện nay, Pinaco đang trong giai đoạn thử nghiệm đợt cuối, dự kiến quý III này sẽ đưa sản phẩm ra thị trường.
Những xe đạp điện “made in Vietnam” như Viha, Delta, Hitasa… ra mắt thị trường từ nhiều năm trước, nhà sản xuất tự cho rằng chất lượng hơn hẳn nhiều mẫu hàng nhập Trung Quốc. Nhưng khi nhu cầu thị trường tăng vọt như hiện nay, các nhà cung cấp Trung Quốc, Đài Loan lại chiếm lĩnh thị trường. Điều đó chứng tỏ, doanh nghiệp đã không dự đoán được thị trường, thiếu tầm nhìn nên đã bỏ lỡ cơ hội.
Nguyễn Minh