📞

Thích nghi để trưởng thành

09:00 | 12/02/2016
Đối với người trẻ, việc học tập hay làm việc ở nước ngoài chưa bao giờ là điều dễ dàng, từ chuyện ăn, ở, đi lại...

Hòa nhập nhanh chóng nhờ việc làm thêm

Nguyễn Hoài Thương, Sinh viên Đại học Momoyama Gakuin, Nhật Bản.

Sau khi sang Nhật được vài tháng, tôi bắt đầu nhờ nhà trường giới thiệu để đi làm phục vụ bàn tại một số nhà hàng. Việc phải liên tục giao tiếp với khách hàng gọi món đã giúp cho vốn tiếng Nhật của tôi được tăng cường đáng kể. Khi giao tiếp tốt, tôi cảm thấy mình tự tin hơn rất nhiều.

Ở Việt Nam, tôi được bố mẹ xem là “công chúa” nên chẳng phải đụng chân tay vào việc gì. Nhưng kể từ khi làm công việc này, tôi thấy mình trưởng thành hơn và biết làm đủ mọi việc, từ bưng bê, rửa bát cho đến pha chế đồ uống. Nói là vất vả vậy thôi chứ tôi thấy mình vẫn còn quá sung sướng so với một số du học sinh Việt Nam khác ở Nhật Bản. Họ phải trả nợ số tiền mà gia đình đã vay để sang đây nên phải căng sức ra làm thêm tám, chín tiếng mỗi ngày sau giờ lên lớp.

Trong quá trình học tiếng, tôi nhận thấy các thầy cô giáo luôn hết mình trong việc dạy dỗ học sinh. Tôi thừa nhận là có một số người Việt Nam đã có những việc làm không hay ở Nhật Bản. Tuy nhiên, ở thành phố Osaka nơi tôi sống, người Nhật không hề có thái độ khinh thường người Việt Nam.

Giới trẻ ở Nhật Bản có tư tưởng khá thoáng. Một vài lần đi trên đường, tôi được các nam thanh niên chủ động tới bắt chuyện, mời đi hát karaoke. Tuy nhiên, khi tôi từ chối, họ đều nhã nhặn xin lỗi vì đã làm phiền và rời đi ngay lập tức.

Nguy cơ thành “vịt nghe sấm”

Du học sinh tại Đức đều phải hoàn thành tốt một khóa học (giống thi tốt nghiệp THPT ở Việt Nam) mới có thể tiếp tục lên đại học. Kiến thức trong khóa học này thì rất đơn giản. Tuy nhiên, sinh viên luôn phải dùng suy nghĩ, lập luận của mình để làm bài. Việc phải ''tự lập luận'' là điều khó khăn nhất đối với sinh viên Việt Nam vì chúng ta không được rèn luyện tư duy này trước đây.

Nguyễn Hải Nam, Sinh viên Đại học Martin Luther Halle-Wittenberg, Đức.

Đến khi lên đại học thì mọi thứ còn phức tạp hơn. Thời gian học trên lớp của sinh viên rất ít, đôi khi còn không bắt buộc. Thầy cô sẽ không giảng chi tiết mà coi như sinh viên đã biết rồi, có gì chưa hiểu thì hỏi thêm. Vì thế, nếu không biết cách sắp xếp để tự học và đọc ở nhà mỗi tuần vài trăm trang sách, các sinh viên rất dễ trở thành “vịt nghe sấm” trên giảng đường.

Người Đức khá trầm tính. Mối quan tâm và khiếu hài hước của họ khi nói chuyện cũng khác biệt với sinh viên Việt Nam. Tuy nhiên, theo tôi, điều quan trọng nhất khi đi du học là phải học tiếng thật giỏi. Chỉ khi nói chuyện tốt, chúng ta mới có thể hòa nhập nhanh với môi trường mới.

Thận trọng với các quy tắc tôn giáo

Tôi đã từng sang Ấn Độ làm giáo viên tiếng Anh tại thành phố Hyderabad theo chương trình trao đổi thực tập sinh của tổ chức AISEC. Các anh chị đi trước có nói với tôi rằng, Ấn Độ là một “lò luyện người” về cả cuộc sống lẫn công việc. Tôi cũng thích nền văn hóa Ấn Độ nên quyết định đến đây để thử sức và trải nghiệm.

Nguyễn Mai Phương, giáo viên tiếng Anh.

Trong công việc, người Ấn có thói quen phân biệt cấp trên và cấp dưới. Họ coi việc mắng mỏ, quát nạt nhân viên là điều rất bình thường. Một điều hơi khó để làm quen là cấp trên không bao giờ nói thẳng với mình rằng họ muốn gì. Vì thế, khi giao tiếp với họ, tôi cảm thấy khá là mơ hồ.

Trong hơn mười tháng ở Ấn Độ, tôi có đi du lịch bụi và ở nhờ một thành viên trên mạng xã hội du lịch couchsurfing. Mẹ của anh ấy theo đạo Hindu và có gian thờ thần riêng. Trước khi vào nhà, tôi phải hỏi thật cẩn thận những quy tắc riêng của gia đình về tôn giáo và bếp núc như không bước vào gian thờ khi chưa tắm giặt sạch sẽ, không chạm vào đồ thờ cúng, không sử dụng những lọ gia vị của gia chủ khi chưa xin phép... Thấy vậy, mẹ của anh ấy cũng rất quý mến tôi. Trước khi tạm biệt, bác ấy còn tự tay chuẩn bị cho tôi bánh trái và nước uống để ăn dọc đường.

Người Ấn Độ rất nhiệt tình và tốt bụng vô điều kiện. Trong chuyến đi, tôi có gặp một vài sự cố nên lạc đường và mất sạch tiền. Rất nhiều cô, chú và gia đình mà tôi gặp trên đường đã sẵn lòng giúp đỡ, nhường đồ ăn cho tôi. Ở nơi làm việc, tôi cũng thường xuyên được các phụ huynh mời về nhà dùng bữa.

Tuy nhiên, ở một số thành phố ở Ấn Độ, người dân theo đạo Hồi và Hindu chiếm số đông nên thịt bò và thịt lợn rất hiếm. Vì thế, các thực tập sinh chúng tôi phải đi rất xa mới có thể mua những loại thịt này nhưng không được tươi cho lắm.