📞

Thiên thạch 'to như sân vận động' và có khả năng gây nguy hiểm, lần đầu tiến rất gần Trái đất

13:45 | 22/09/2024
Trang Fox News Digital trích nguồn NASA cho biết thiên thạch, được đặt tên 2024 ON, có kích thước dài 350m và rộng 150m, to ngang với một sân vận động, đang tiến gần Trái đất.
Thiên thạch to như sân vận động lần đầu tiến rất gần Trái đất. Trong ảnh là mô phỏng về thiên thạch 2024 ON. (Nguồn: Fox News)

Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đang xem xét khả năng một thiên thạch cỡ lớn, với khả năng tạo ra mối nguy hiểm tiềm tàng, đang chuẩn bị đi vào khu vực gần quỹ đạo Trái đất.

Thông tin từ NASA cho biết thiên thạch, được đặt tên 2024 ON, có kích thước dài 350m và rộng 150m. NASA cho biết thiên thạch này to ngang với một sân vận động và nói rằng nó đang cách Trái đất gần 1.000.000 km vào buổi sáng ngày 17/9. Con số này có nghĩa thiên thạch đang ở cự ly tương đối gần Trái đất.

Theo Davide Farnocchia, người đang làm việc tại phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực thuộc NASA, một thiên thạch với kích cỡ lớn như vậy sẽ chỉ tiến đến gần Trái đất sau khoảng từ 5-10 năm.

Ông nói rằng lần gần nhất một thiên thạch với kích thước lớn tiến vào bầu khí quyển của Trái đất là vào năm 2013, tại nước Nga. Cũng cần biết rằng Trái đất chưa từng bị một thiên thạch nào có kích cỡ lớn như 2024 ON va trúng, kể từ thời tiền sử.

Dù thiên thạch này có quỹ đạo bay khá gần Trái đất, khiến cho nó được liệt vào hàng “vật thể có độ nguy hiểm cao”, Davide vẫn đánh giá khó có khả năng 2024 ON đâm vào hành tinh của chúng ta. Theo ông, để đâm được vào Trái đất, thiên thạch phải bay ở cự ly cách chúng ta chỉ khoảng vài trăm cây số.

2024 ON chỉ là một trong năm thiên thạch bay ngang qua Trái đất trong vòng mấy ngày tới đây. Tuy nhiên, vật thể này nằm ở cự ly gần nhất so với hành tinh của chúng ta. Bốn thiên thạch còn lại sẽ cách Trái đất từ khoảng 1.8 triệu đến 5.3 triệu km và ba trong số chúng có đường kính tương đương với một ngôi nhà nhỏ (15,5 m). Thiên thạch lớn hơn cả, mang tên 2013 FW13, có đường kính khoảng 155.45 m, đã bay qua Trái đất vào ngày 18/9.

Hiệp hội Thiên văn học Mỹ cho biết trọng lực của Trái đất có thể sẽ kéo một thiên thạch vào gần quỹ đạo trong vòng 2 tháng, qua đó biến nó thành "Mặt trăng" thứ hai của chúng ta.

Cụ thể, thiên thạch có tên 2024 PT5 tới từ vành đai thiên thạch Arjuna - một tập hợp các thiên thạch bay trên một quỹ đạo cố định ở cách Mặt trời 150 triệu km.

Giáo sư Carlos de la Fuente Marcos tại Đại học Complutense Madrid, người dẫn đầu nghiên cứu, cho biết 2024 PT5 sẽ lực hấp dẫn của Trái đất tạm thời giữ lại tại khu vực quyển Hill trong khoảng thời gian từ ngày 29/9 đến 25/11, sau đó sẽ quay trở lại vành đai thiên thạch. Khi đó, thiên thạch đang ở cách Trái đất khoảng 1,5 triệu km và di chuyển với vận tốc thấp, khoảng 1577 km/h.

Được biết, năm 2024 PT5 có đường kính khoảng 11m. Thiên thạch này được phát hiện vào ngày 7/8 năm nay, khoảng một ngày trước khi nó tới gần Trái đất ở khoảng cách 568.500km. Các nhà khoa học dự đoán rằng “Mặt Trăng mini” sẽ quay trở lại quỹ đạo Trái đất vào năm 2055.