Sử dụng UAV để vận chuyển hàng hóa đang trở nên quen thuộc ở nhiều nước. Ảnh minh họa. (Nguồn: gihub.org) |
Hãng Da-Jiang Innovations (công ty hàng đầu thế giới về sản xuất UAV, có trụ sở tại Quảng Đông, Trung Quốc) vừa hoàn thành cuộc thử nghiệm giao hàng bằng UAV đầu tiên trên thế giới tại đỉnh núi Everest.
Everest là đỉnh núi cao nhất thế giới với độ cao 8.848m. UAV cất cánh từ Trạm căn cứ ở độ cao 5.364m, bay lên Trại 1 ở độ cao 6.000m. Trong chuyến bay lượt đi, thiết bị này đem theo ba bình oxy và 1,5kg vật tư khác để bàn giao cho một nhóm nhà leo núi và khi trở về mang theo rác với trọng lượng tương tự.
UAV được định nghĩa là phương tiện di chuyển trong không trung, có thể bay tự hành, hoặc được điều khiển từ xa, có thể thu hồi tái sử dụng hoặc không, có thể mang theo tải trọng hoặc không.
Với thiết kế nhỏ gọn và tính năng độc đáo, các UAV hiện được sử dụng trong rất nhiều lĩnh vực.
Hiện thực hóa nhiệm vụ bất khả thi
Ban đầu, UAV được sử dụng cho những nhiệm vụ quá tốn kém hoặc nguy hiểm cho con người. Mặc dù vốn được dùng để ứng dụng cho mục đích quân sự, nhưng sau này UAV nhanh chóng được mở rộng sang khoa học, thương mại, giải trí, nông nghiệp và các lĩnh vực khác.
Những chiếc UAV chở hàng hóa từ vài kg đến cả trăm kg không còn xa lạ trên thế giới. Tại một số nước, UAV được sử dụng làm phương tiện giao nhận hàng hóa, bổ sung cho các phương tiện vận tải truyền thống, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn hoặc vùng sâu, vùng xa.
Giới chuyên gia lưu ý rằng UAV không đơn giản chỉ là các thiết bị bay mà còn là công cụ thu thập số liệu.
Ông Reese Mozer, nhà đồng sáng lập và Giám đốc điều hành (CEO) của công ty sản xuất phiên bản UAV thông minh là drone có tên American Robotics (Mỹ), cho rằng sản phẩm sau cùng của ngành công nghiệp này là dữ liệu, không phải các thiết bị bay.
Sự ra đời của UAV được đánh giá là cuộc cách mạng trong lĩnh vực khảo sát, thu thập số liệu, và theo dõi các đối tượng trên thực địa. Thực tiễn cho thấy, có rất nhiều ứng dụng bắt buộc phải triển khai trên diện rộng như giám sát, thu thập số liệu lâm nghiệp, đảm bảo hành lang an toàn đường dây truyền tải điện, ghi nhận số liệu thiên tai như ngập lụt, sạt lở đất… mà nếu sử dụng các kỹ thuật truyền thống sẽ rất tốn kém kinh phí và thời gian. Tuy vậy, các drone lại làm rất tốt những công việc này.
Ông Richard Schwartz, Chủ tịch kiêm CEO của công ty dịch vụ dữ liệu Pensa Systems (Mỹ) nói rằng, cần hiểu drone là robot trên không rất nhẹ, nhanh nhẹn, và đặc biệt rẻ hơn hàng trăm lần so với các robot mặt đất cồng kềnh, có thể dễ dàng vượt qua chướng ngại vật và thay đổi vị trí trong không gian rất linh hoạt.
UAV thường được sử dụng trong nông nghiệp, giúp giám sát thực vật, rừng và các trang trại rộng lớn khó kiểm soát.
Không thể phủ nhận tác dụng của UAV trong công tác cứu nạn cứu hộ. Chúng giúp con người phát hiện người gặp nạn, đi sâu vào nơi có địa hình phức tạp, khó tiếp cận để thu hình trực tiếp như khu vực sạt lở, lũ lụt, hỏa hoạn, động đất…
UAV cũng được dùng trong các cơ quan khí tượng để quan sát thời tiết, thu thập thông tin khí tượng, phòng tránh thiên tai…
Không thể bỏ qua công nghiệp điện ảnh. Hình ảnh thường được coi là dấu mốc đưa UAV vào ngành điện ảnh, đó là cảnh quay ghi lại cuộc rượt đuổi căng thẳng giữa điệp viên 007 và kẻ phản diện trong phim Skyfall. Từ đó, UAV trở thành công nghệ không thể thiếu trong quá trình ghi hình những bộ phim điện ảnh “bom tấn” do nó cho phép các nhà làm phim thực hiện những góc nhìn mà trước đây là bất khả thi.
Tiềm năng, lợi ích và nỗi lo ngại
Một điểm chung có thể khẳng định là các UAV đầu tiên được phát minh phục vụ cho mục đích quân sự. Trải qua nhiều thập kỷ, sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ đã đưa UAV trở thành bộ phận quan trọng trong quân đội nhiều nước, phục vụ hoạt động trinh sát, thu thập tin tức tình báo, cảnh báo sớm và tấn công. Hiện nay, các UAV trong lĩnh vực quân sự đang bước vào giai đoạn phát triển mới khi chúng ngày càng nhỏ gọn, thông minh hơn, nhanh hơn, và rẻ hơn.
Thực tiễn các cuộc xung đột quân sự gần đây đang chứng tỏ sẽ có một cuộc cách mạng về nghệ thuật tác chiến của loại phương tiện bay này và kéo theo đó là những tác động rất lớn tới chiến lược quân sự của nhiều quốc gia trong tương lai gần.
UAV đã chứng minh mức độ nguy hiểm và làm thay đổi phương thức tác chiến trong chiến tranh hiện đại. Những cuộc tấn công bằng UAV đã cho thấy sự khốc liệt trong các cuộc chiến ở Syria, Libya, Nagorno - Karabakh và đặc biệt là trong cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Sự phụ thuộc ngày càng tăng vào UAV trong chiến tranh hiện đại cũng làm nảy sinh một số lo ngại về đạo đức, có một số ý kiến cho rằng, phạm vi hoạt động của UAV ngày càng mở rộng, có thể dẫn đến mất quyền kiểm soát của con người trong việc sử dụng UAV gây chết người và để lại hậu quả nghiêm trọng.
Sự phổ biến của công nghệ UAV cũng gây lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang, khi ngày càng có nhiều nước phát triển các UAV tiên tiến, gây nguy cơ gia tăng căng thẳng và có khả năng xảy ra xung đột.
Bất chấp những băn khoăn này, UAV đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống hiện đại và ảnh hưởng của chúng sẽ càng tăng lên khi công nghệ tiếp tục phát triển.
Giới chuyên gia nhấn mạnh, việc sản xuất UAV có khả năng mở rộng thành một ngành công nghiệp quy mô lớn, cung cấp các giải pháp đa ngành nghề.
Chất lượng của các UAV sẽ tiếp tục được cải tiến và các mô hình trí tuệ nhân tạo sẽ từng bước được tích hợp vào, cho phép UAV hoạt động hiệu quả hơn, thực hiện được nhiều nhiệm vụ khó khăn hơn trong tương lai.
Vì vậy, việc đầu tư nghiên cứu công nghệ UAV được đánh giá là một lĩnh vực nhiều tiềm năng và mang lại nhiều lợi ích.