Thiết lập, cắt đứt và nối lại quan hệ ngoại giao tiến hành như thế nào? |
Trong các tuyên bố công nhận quốc gia, việc thiết lập quan hệ ngoại giao thường được nêu lên như một nguyện vọng, một mong muốn (bày tỏ sẵn sàng thiết lập quan hệ ngoại giao), điều đó có nghĩa là việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa các nước phải được tiến hành theo sự thỏa thuận giữa các bên với nhau.
Ví dụ, ngày 2/12/1991, Thủ tướng Canada Mulroney cho biết: Chính phủ Canada đã thông qua quyết định công nhận Ukraine là quốc gia độc lập, nhưng trước khi thiết lập quan hệ ngoại giao hai bên sẽ phải tiến hành các cuộc đàm phán. Thực tế có trường hợp hai nước công nhận nhau nhưng nhiều năm sau mới thiết lập quan hệ ngoại giao.
Trong thực tiễn quan hệ giữa các quốc gia, cũng có trường hợp các nước vì những nguyên nhân khác nhau đã cắt đứt hoặc tạm đình chỉ quan hệ ngoại giao, ví dụ như Gruzia tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Liên bang Nga và đóng cửa Đại sứ quán tại Moscow sau khi Tổng thống Nga tuyên bố công nhận nền độc lập của Bắc Ossetia và Apkhazia. Đi theo việc cắt đứt quan hệ ngoại giao có việc rút các đại diện ngoại giao, đóng cửa Cơ quan đại diện ngoại giao.
Tuy nhiên cũng có trường hợp do có khó khăn về tài chính, hoặc về cán bộ,... nước bổ nhiệm phải tạm thời rút Cơ quan đại diện (sau khi đã trình bày rõ lý do với nước tiếp nhận) thì việc này hoàn toàn không có ý nghĩa là tạm đình chỉ hoặc hạ thấp quan hệ. Một Trưởng Cơ quan đại diện ngoại giao thường trú ở nước khác sẽ được giới thiệu ngay để kiêm nhiệm.
Một trong những nguyên nhân thường đưa đến cắt đứt quan hệ ngoại giao là xung đột vũ trang nhưng cũng có trường hợp hai nước vẫn duy trì quan hệ ngoại giao, không rút Đại sứ mặc dù có xung đột vũ trang như quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc sau năm 1979.
Khi nối lại quan hệ ngoại giao thì cũng phải tiến hành các thủ tục như khi thiết lập quan hệ ngoại giao bằng đường trao đổi các văn bản thích hợp. Nếu chỉ là tạm đình chỉ quan hệ ngoại giao thì khi nối lại quan hệ ngoại giao thì thủ tục thường đơn giản. Có thể đại diện ngoại giao hai nước gặp nhau ở một nước thứ ba thỏa thuận việc nối lại quan hệ ngoại giao rồi ra thông cáo.
Ví dụ Việt Nam và Morocco thiết lập quan hệ ngoại giao từ 1961, nhưng sau đó quan hệ tạm đình chỉ. Ngày 1/7/1991, Bộ Ngoại giao hai nước đã ra thông cáo "Với lòng mong muốn gìn giữ và phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác, Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và chính phủ Vương quốc Morocco đã thỏa thuận tiếp tục quan hệ ngoại giao bình thường giữa hai nước".