📞

Thiếu khí đốt Nga, Đức tự đánh giá tình hình nghiêm trọng, một số ngành công nghiệp có thể phải đóng cửa

Chu Văn 16:02 | 24/06/2022
Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế và bảo vệ khí hậu Đức cảnh báo hậu quả, nói rõ không thể giải quyết hết các tác động của tình trạng thiếu khí đốt.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế và bảo vệ khí hậu Đức Robert Habeck. (Nguồn: Reuters)

Tạp chí Der Spiegel ngày 24/6 dẫn lời Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết, nước này sắp lâm vào tình trạng thiếu hụt khí đốt nếu nguồn cung từ Nga duy trì ở mức thấp như hiện nay. Ông cảnh báo một số ngành công nghiệp sẽ phải đóng cửa nếu không có đủ khí đốt cho mùa Đông tới.

Bộ trưởng Habeck để ngỏ khả năng hỗ trợ thêm cho các công ty và những người bị ảnh hưởng, song cảnh báo không thể giải quyết hết các tác động của tình trạng thiếu khí đốt.

Ngày 23/6, chính phủ Đức đã nâng cảnh báo của kế hoạch khẩn cấp về khí đốt lên mức báo động do nguồn cung khí đốt từ Nga giảm và giá khí đốt liên tục ở mức cao.

Phát biểu trong cuộc họp báo tại thủ đô Berlin, ông Robert Habeck cho biết, tình hình hiện tại là nghiêm trọng, nước Đức "đang ở trong một cuộc khủng hoảng khí đốt".

Theo ông Habeck, có sự gián đoạn nguồn cung khí đốt cho Đức và hiện tại, khí đốt đang là một mặt hàng khan hiếm, giá khí đốt đã tăng cao và còn tăng hơn nữa. Kể từ khi Nga giảm khối lượng khí đốt cung cấp cho Đức qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1, tình hình đã trở nên nghiêm trọng. Vì vậy cần phải công bố mức báo động này.

Phó Thủ tướng Habeck cho rằng, việc thiếu khí đốt là gánh nặng lớn đối với người và doanh nghiệp Đức. Kịch bản báo động này luôn là một mối đe dọa và chính phủ Đức đã chuẩn bị cho nó từ tháng 12/2021, trong đó có việc chuẩn bị các cơ sở lưu trữ mới, ban hành luật và các kênh mua sắm thay thế cho khí đốt.

Hiện tại theo Phó Thủ tướng Habeck, vẫn có thể mua đủ số lượng khí đốt cần thiết trên thị trường để lấp đầy các kho chứa của Đức. Ưu tiên hàng đầu của chính phủ Đức là lấp đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt. Các nhà cung cấp thay thế sẽ được tìm kiếm và năng lượng tái tạo tiếp tục được mở rộng.

Ngoài ra, ông Habeck kêu gọi người dân và doanh nghiệp tăng cường tiết kiệm khí đốt hơn nữa, cả hiện tại cũng như trong mùa Đông tới. Theo ông, 41 triệu hộ gia đình ở Đức "có thể tạo ra sự khác biệt" với việc tiết kiệm tới 15% chi phí sưởi ấm. Các doanh nghiệp cũng đã giảm 8% việc sử dụng khí đốt và có thể tiếp tục giảm hơn nữa.

Theo Phó Thủ tướng Habeck, cuộc xung đột tại Ukraine là nguyên nhân trực tiếp gây ra cuộc khủng hoảng khí đốt ở Đức. Đồng thời, những thiếu sót của thập kỷ trước đang dẫn đến hậu quả. Do đó cần khẩn trương hành động quyết liệt để đối phó với tình hình căng thẳng hiện tại.

Kế hoạch khẩn cấp về khí đốt lần đầu tiên được kích hoạt sau khi Nga thực hiện "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine. Kế hoạch này có ba mức gồm mức cảnh báo sớm, mức báo động và mức khẩn cấp. Ngày 30/3 vừa qua, Phó Thủ tướng Habeck đã công bố mức cảnh báo sớm (mức thứ nhất) của kế hoạch này.

(theo Reuters)