Nhỏ Bình thường Lớn

Thiếu liêm chính, doanh nghiệp sẽ tụt hậu

Hơn 55% doanh nghiệp nhận thức đầy đủ và hiểu đúng về liêm chính trong kinh doanh nhưng chỉ có 29% thực hiện liêm chính trong doanh nghiệp…
thieu liem chinh doanh nghiep se tut hau

Theo WB, doanh nghiệp Việt Nam làm được 1 đồng thì phải chi gần 1 đồng cho bôi trơn chính sách. (Ảnh: NDH)

Kết quả vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra tại Hội thảo công bố Báo cáo khảo sát “Hiện trạng thực hành liêm chính trong kinh doanh và nhu cầu hỗ trợ xây dựng năng lực của doanh nghiệp” vừa diễn ra tại Hà Nội.

Khảo sát được tiến hành tại 180 doanh nghiệp trong nước và có vốn nước ngoài (FDI) thuộc các lĩnh vực như dệt may, da giày, công nghiệp lắp ráp, ngân hàng, thực phẩm… tại ba đô thị lớn là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Hiểu nhưng không làm

Theo kết quả khảo sát của VCCI, có hơn 92 – 93% doanh  nghiệp tại Việt Nam hiểu về khái niệm liêm chính và minh bạch trong kinh doanh (kinh doanh đúng pháp luật, không hối lộ, không vi phạm pháp luật trong kinh doanh…), trong đó có hơn 55% doanh nghiệp cho rằng, liêm chính kinh doanh cần phải gắn liền với các nguyên tắc, chuẩn mực về đạo đức và quy phạm pháp luật, tạo ra rào cản đối với nạn tham nhũng, hối lộ. Tuy nhiên, chỉ có 29% doanh nghiệp cam kết và thực hiện các biện pháp liêm chính trong kinh doanh như: kiểm soát nội bộ, kiểm soát chi tiêu, thực hiện cơ chế báo cáo minh bạch với cơ quan thuế, hải quan…

Cụ thể, 60% doanh nghiệp đã tổ chức kiểm soát chi tiêu, bao gồm giới hạn chi tiêu và yêu cầu tài liệu hóa, thực hiện cơ chế báo cáo. Tính riêng lĩnh vực ngân hàng, tỷ lệ này chiếm 80%, vì đặc thù của ngành ngân hàng là giao dịch tài chính nên việc thực hiện các biện pháp ngừa gian lận được thực hiện khá bài bản và quy mô. Ngoài ra, các quy định khác trong bộ quy tắc ứng xử, như mua sắm đấu thầu, luân chuyển cán bộ tặng quà và nhận quà… vẫn chưa được nhiều doanh nghiệp thực hiện.

Báo cáo cho thấy, ngành da giầy, ngân hàng, chế biến lương thực thực phẩm có tần suất gặp phải cản trở từ các cơ quan nhà nước nhiều nhất. Doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực này dù áp dụng liêm chính trong kinh doanh nội bộ nhưng luôn gặp phải những phiền hà, nhũng nhiễu từ các cơ quan nhà nước. Các doanh nghiệp đều hiểu được liêm chính nhưng tỷ lệ thực hiện còn quá ít, trong khi đó, chính cơ quan nhà nước đang là tác nhân gây trở ngại cho doanh nghiệp thực hiện liêm chính trong kinh doanh.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng thư ký VCCI phân tích, một số lý do dẫn đến các doanh nghiệp Việt Nam chưa thực hiện và thực hiện chưa thành công chương trình liêm chính trong doanh nghiệp so với các công ty đa quốc gia là do chưa có đủ khả năng kiểm soát hết các quy định về hoạt động của doanh nghiệp. Ngoài ra còn có lý do thiếu nhân lực, khó khăn trong việc xác định giá trị cốt lõi và nếu có triển khai thì việc phổ biến, đào tạo thường xuyên còn hạn chế, chưa có sự đồng thuận cao trong doanh nghiệp.

Phí bôi trơn vẫn lớn

Dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, bà Phạm Chi Lan cho rằng, vấn đề liêm chính tại doanh nghiệp đang khó bởi vì hối lộ, kinh doanh gian dối xuất phát nhiều từ bộ máy quản lý. Theo báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB), doanh nghiệp Việt Nam làm được 1 đồng thì phải chi gần 1 đồng cho bôi trơn chính sách. Chính phí và thuế là hai lĩnh vực chiếm tới 40,8% trong số tổng lợi nhuận doanh nghiệp phải chi trả, đó là chưa nói đến hàng loạt các chính sách gia nhập thị trường khác nữa.

 “Tiền bôi trơn của doanh nghiệp Việt Nam chiếm tới 0,72 - 1,02% lợi nhuận của họ. Nghĩa là doanh nghiệp làm ra 1 đồng lợi nhuận thì họ phải đóng ít nhất 0,72 đồng, thậm chí là cao hơn cả lợi nhuận tới 0,2 đồng cho phí tham nhũng, bôi trơn. Ban đầu tôi và nhiều người quả thực không tin. Bởi nếu như thế, nó thực sự là rào cản rất lớn của doanh nghiệp. Song, thực chất nó là điều tra chuẩn xác của WB, cũng được Bộ Tài chính đưa ra trong hội thảo gần đây”, bà Lan cho hay.

Bên cạnh đó, khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước gần như không lớn lên được, mặc dù số lượng ra đời nhiều nhưng quy mô lại nhỏ đi. Biến động của số lượng doanh nghiệp từ năm 2010-2014 cho thấy, doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng cao, đăng ký doanh nghiệp mới lớn nhưng số đăng ký mới có nhiều trường hợp đăng ký năm trước nhưng năm sau lại dừng, tồn tại không được.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam chỉ chiếm 21% tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu so với 30% của Thái Lan, 46% của Malaysia. Điều này khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam ít có khả năng được hưởng lợi từ hiệu ứng lan tỏa của nguồn FDI.

Hết thời tìm lợi nhuận ở “vùng nước đục”

Cũng theo ông Nguyễn Quang Vinh, liêm chính trong kinh doanh tạo nền tảng trong kinh doanh, bởi nó đưa hoạt động của doanh nghiệp vào một quá trình tuân thủ những giá trị đạo đức và chuẩn mực nhất định của một tổ chức, một quốc gia và cao hơn nữa là quốc tế.

“Nếu chỉ tìm lợi nhuận trong “vùng nước đục” là cách làm đã lâu rồi và chỉ mang tính ngắn hạn. Giờ đây, nền kinh tế đã phát triển đến mức, cơ hội thực sự chỉ dành cho những doanh nghiệp có cái nhìn dài hạn, theo đuổi những giá trị phát triển bền vững” – ông Vinh khẳng định.

Tại Hội thảo, các chuyên gia nước ngoài khuyến nghị, cần xây dựng chương trình phổ biến, tuyên truyền đến các doanh nghiệp về những yêu cầu liên quan đến minh bạch, cạnh tranh và tầm quan trọng của kinh doanh liêm chính, minh bạch trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh Việt Nam ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Ông Florian Beranek, chuyên gia về trách nhiệm xã hội của UNIDO (Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hiệp quốc) nhận định, liêm chính là một yếu tố phải có đối với những doanh nghiệp muốn tăng vị thế trong chuỗi sản xuất và nâng cao giá trị gia tăng. Nhưng hiện nay, rủi ro và tổn thất do tham nhũng trong môi trường kinh doanh vẫn còn bị đánh giá thấp.

“Tham nhũng không chỉ là đưa hay nhận hối lộ mà còn bao gồm thiếu minh bạch trong tuyển dụng, cung cấp thông tin tới người lao động hay các hành vi khác. Đừng nghĩ chống tham nhũng là điều xa xôi, khó thực hiện, doanh nghiệp có thể bắt đầu hành động bằng cách đơn giản là trung thực và công khai trong hoạt động”, ông Beranek chỉ rõ.

Các chuyên gia cũng lưu ý, để đẩy lùi tham nhũng, thực hiện liêm chính, bên cạnh những nỗ lực của Chính phủ, các cơ quan Bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần chủ động chung tay như tích cực tuyên truyền, giáo dục, pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho đội ngũ cán bộ quản lý và người lao động trong doanh nghiệp; xây dựng và thực hiện bộ quy tắc ứng xử phù hợp trong hoạt động kinh doanh…

Phan Mích