📞

Thiếu Nga, EU vẫn 'cán đích' dự trữ khí đốt

Linh Chi 09:34 | 30/08/2022
Theo dữ liệu kiểm kê của Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu, các kho dự trữ khí đốt của Liên minh châu Âu (EU) đã được lấp đầy lên đến 79,4% vào ngày 27/8 so với mục tiêu 80% vào ngày 1/11.
Nguồn cung từ Nga bấp bênh nhưng các kho dự trữ khí đốt của EU đã được lấp đầy lên đến 79,4% vào ngày 27/8. (Nguồn: Reuters)

EU đã lên kế hoạch chi tiết về việc dự trữ khí đốt từ đầu năm nay, sau khi mức dự trữ vào mùa Đông năm ngoái thấp hơn những năm trước.

Ngày 29/8, giá khí đốt tự nhiên của châu Âu giảm mạnh nhất kể từ tháng 3, sau khi Đức tuyên bố các kho dự trữ khí đốt của họ đang lấp đầy nhanh hơn kế hoạch.

Bộ trưởng Kinh tế Liên bang Đức Robert Habeck cho rằng, các kho tích trữ khí đốt của nước này đang được lấp đầy nhanh hơn dự kiến và mốc mục tiêu đạt 85% công suất lưu trữ vào tháng 10/2022 trước đây có thể đạt ngay vào đầu tháng 9 tới.

Trước đó, chính phủ Đức đặt mục tiêu đạt 75% lượng khí đốt tích trữ vào ngày 1/9. Tuy nhiên, con số này tính tới ngày 26/8 đã ở mức 82,2%.

Tại Ba Lan, kho dự trữ đã được lấp đầy gần như 100% lượng khí đốt vào ngày 27/8, trong khi đó, kho dự trữ của Bồ Đào Nha đã đầy.

Dữ liệu của Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu cũng cho thấy, kho lưu trữ của Italy đã được lấp đầy tới 81%, mức dự trữ của Hungary là 62% và của Bulgaria là 60%.

EU muốn cắt giảm sự phụ thuộc vào Nga, nhà cung cấp năng lượng lớn nhất của khu vực trong những năm qua. Các dòng chảy khí đốt từ Moscow sẽ được thay thế bằng năng lượng tái tạo với hiệu suất cao hơn.

Thêm vào đó, khu vực này tăng cường nhập khẩu khí đốt và khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ các nhà cung cấp khác ở khu vực Địa Trung Hải, châu Phi, Trung Đông và Mỹ.

Ủy ban châu Âu cho biết vào đầu năm nay rằng, một mức dự trữ khí đốt tối thiểu sẽ củng cố an ninh nguồn cung trong mùa Đông này và mùa Hè năm sau.

Ngày 29/8, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho hay, khối cũng sẽ thực hiện các bước để can thiệp trong ngắn hạn vào thị trường điện để giảm chi phí và tìm cách phá vỡ mối liên hệ giữa giá khí đốt và điện.

Tuy nhiên, ngay cả khi đã lấp đầy các kho dự trữ khí đốt, ông Klaus Mueller, Chủ tịch Cơ quan mạng lưới liên bang Đức - đơn vị quản lý năng lượng của nước này nhận thấy, Berlin có nguy cơ không thể vượt qua mùa Đông nếu Nga "khóa van" khí đốt.

Quốc gia này là nhà nhập khẩu năng lượng lớn nhất EU. Hiện tại, Đức đang khởi động lại các nhà máy điện than để tiết kiệm khí đốt.

Trong khi đó, Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne kêu gọi các doanh nghiệp cắt giảm việc sử dụng năng lượng hoặc có thể phải đối mặt với việc phân chia định mức khí đốt trong mùa Đông này nếu Nga ngừng cung cấp khí đốt.

Bà Elisabeth Borne nói: “Pháp có thể phải đối mặt với tình trạng cúp khí đốt tàn khốc và gây ra những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế-xã hội".

(theo Bloomberg)