📞

Thịt lợn thành thịt bò: Cục An toàn thực phẩm chưa nắm rõ thông tin

08:12 | 09/04/2016
Trước thông tin nhiều mẫu thịt lợn giả bò trên thị trường đang gây xôn xao dư luận, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Hùng Long cho biết, Cục vẫn chưa nắm rõ thông tin.
Một cơ sở làm giả thịt bò bị cơ quan chức năng phát hiện. (Ảnh: Thanh Niên)

Thời gian gần đây, một số phương tiện truyền thông có đưa thông tin về kết quả kiểm tra các mẫu thịt bò tươi, giò bò, xúc xích bò, nạm bò, thịt bò trong phở tại Hà Nội của Viện Kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh Thực phẩm Quốc gia.

Theo đó, với 44 mẫu thịt bò tươi được lấy mẫu chỉ có 35 mẫu là thịt bò, 8 mẫu là thịt lợn, còn 1 mẫu lại là thịt trâu. Trong 12 mẫu nạm bò chỉ có 2 mẫu nạm bò thật, còn mẫu thịt bò tái được lấy tại 10 cửa hàng thì có 2 cửa hàng bán thịt lợn. Trong 20 mẫu giò chả được kiểm tra, 9 mẫu không có thành phần thịt bò mà chỉ toàn thịt lợn, 8 mẫu có hàm lượng thịt bò thấp 13%, 2 mẫu có 30-33 là thịt bò còn lại là thịt lợn, mẫu có hàm lượng bò cao nhất cũng chỉ có 60%.

Tại buổi họp báo quý I và phổ biến kế hoạch triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2016 ngày 8/4, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Hùng Long cho biết, hiện Cục vẫn chưa nhận được báo cáo nào về vụ việc này nên không nắm rõ thông tin.

“Nếu đúng như những gì thông tin báo chí đưa thì thịt bò không phải thịt bò là hành vi gian lận thương mại. Nếu phát hiện, chúng tôi sẽ phối hợp xử lý ngay. Trước đây, ở châu Âu cũng có vụ việc xúc xích bò nhưng làm từ thịt ngựa”, ông Long thông tin.

Bà Lê Thị Hồng Hảo- Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh Thực phẩm Quốc gia cũng bất ngờ về những thông tin được đưa ra. Bà khẳng định, Viện chưa có công bố về liên quan đến kiểm nghiệm và bà không biết thông tin cụ thể nên chưa có phát ngôn chính thức.

Nhận biết thực phẩm an toàn bằng que thử nhanh

Để nhận biết thực phẩm không an toàn, ông Long khẳng định thực phẩm không an toàn không thể đơn giản chỉ nhìn bằng mắt thường mà biết được. “Có chăng là kinh nghiệm đi chợ của người tiêu dùng, dựa vào màu sắc, độ đàn hồi để phòng ngừa phần nào nhưng nếu muốn biết chính xác thì vẫn phải nhờ vào việc kiểm tra kỹ càng”, ông Long cho hay.

Trả lời về câu hỏi liệu loại thực phẩm nào đang dẫn đầu về nguy cơ tồn dư kháng sinh, ông Long cho rằng vấn đề này hiện đang rất rộng. Rau, củ, quả thì có khả năng tồn dư chất bảo vệ thực vật. Các loại thịt gia súc, gia cầm, thủy, hải sản có khả năng tồn dư kháng sinh. Nhất là tôm, loại thủy sản thường được phát hiện có lượng tồn dư kháng sinh cao.

“Hiện tại đã có que thử nhanh độc tố của thực phẩm và chúng tôi rất khuyến khích người tiêu dùng nên sử dụng chúng để kịp thời nhận biết thực phẩm không an toàn”, ông Long khuyến nghị.

Khi được hỏi về tiêu chí để xác định thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn, ông Long giải thích, khái niệm thực phẩm bẩn là cách nói miệng, còn trong văn bản không có khái niệm thực phẩm bẩn, chỉ có thực phẩm không an toàn. Với mỗi loại thực phẩm sẽ có một tiêu chuẩn, quy chuẩn riêng. Ví dụ, thực phẩm A ngoài những thành phần dinh dưỡng còn có những thành phần về hóa học, vi sinh… để căn cứ vào đó xác định thực phẩm đó có an toàn hay không. Đơn cử như măng mà ngâm chất vàng ô (Auramine O - chất cấm sử dụng trong chế biến, bảo quản thực phẩm) là không an toàn. Chất này đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quy định là chất cấm, không cần biết là sử dụng bao nhiêu nhưng cứ sử dụng là vi phạm quy định.

Phạt tù người sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn

Về khung hình phạt đối với những đối tượng vi phạm sử dụng chất cấm và bán thực phẩm không an toàn, ông Long cho biết khung xử phạt hiện nay đã có. Nghị định số 178 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, trong đó có quy định chi tiết về những hành vi vi phạm và mức xử phạt tương đương.

Đồng thời, để chống lại nạn buôn bán, sản xuất thực phẩm bẩn, mới đây, Bộ Luật Hình sự được Quốc hội thông qua bắt đầu có hiệu lực từ 1/7, quy định cụ thể việc bỏ tù người sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn. Theo đó, người sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm sẽ bị phạt tiền từ 50 đến 200 triệu đồng, hoặc phạt tù từ 1-5 năm.

Theo ông Long, thời gian tới, các thanh tra, kiểm tra liên ngành Trung ương sẽ rà soát kiểm tra việc thực hiện, kết quả thực hiện thanh, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm ở các địa phương. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện có bao che thực phẩm bẩn, bao che doanh nghiệp sản xuất thực phẩm không an toàn sẽ đề nghị lãnh đạo UBND các tỉnh thành phố cách chức người đứng đầu và xem xét trách nhiệm cá nhân, đơn vị vi phạm.

“Trong quá trình thanh tra nếu phát hiện đơn vị vi phạm, cá nhân vi phạm Cục An toàn thực phẩm sẽ công khai thông tin trên báo chí. Kết thúc quá trình thanh tra, kiểm tra tại các địa phương sẽ công khai kết quả thực hiện”, ông Long nhấn mạnh.

Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cũng thừa nhận, thực tế tại nhiều địa phương cho thấy, cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thực hiện thanh kiểm tra nhiều nhưng xử lý ít, xử lý không dứt điểm những cơ sở sản xuất thực phẩm không an toàn. Vì vậy đã để xảy ra hiện tượng thực phẩm bẩn gây ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng, gây tâm lý hoang mang cho người dân.