Điểm sửa đổi đáng chú ý trong cải cách Hiến pháp lần này ở Thổ Nhĩ Kỳ là vấn đề mở rộng quyền lực cho Tổng thống. Theo đó, dự luật cải cách Hiến pháp sẽ mở đường cho chế độ Tổng thống hành pháp ở Thổ Nhĩ Kỳ, tức là chức vụ Thủ tướng bị hủy bỏ và quyền hành pháp tập trung về tay Tổng thống.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan. (Nguồn: The Guardian) |
Hiện chính giới và dư luận Thổ Nhĩ Kỳ đang bị chia rẽ về vấn đề này. Tổng thống Recep Erdogan và những người ủng hộ khẳng định cải cách này sẽ giúp ổn định và ngăn chặn việc lặp lại các liên minh chính trị mong manh trong quá khứ, khiến tình hình đất nước bất ổn. Nhiều tuần qua, đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền đã phát động chiến dịch vận động người dân ủng hộ cuộc trưng cầu này.
Trong khi đó, các đối thủ của ông Erdogan lo ngại cải cách này sẽ làm gia tăng tình trạng lạm quyền của Tổng thống. Đảng đối lập Nhân dân Cộng hòa (CHP) đã phát động chiến dịch nói “Không” với dự thảo sửa đổi Hiến pháp tại nhiều thành phố lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ. Phe đối lập tố cáo đây là hành động thâu tóm quyền lực của Tổng thống Erdogan, mở đường cho ông Erdogan tiếp tục giữ cương vị Tổng thống đến năm 2029 theo quy định mới.
Về đối ngoại, cuộc trưng cầu ý dân sắp tới cũng sẽ tác động mạnh mẽ đến quan hệ của Ankara với Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ. Các nước phương Tây lo ngại động thái này là một bước giúp Tổng thống Erdogan thâu tóm quyền lực. Một số nước châu Âu như Đức, Áo đã cấm các chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ vận động cộng đồng người Thổ tại các nước này ủng hộ kế hoạch cải cách Hiến pháp. Thậm chí, chính phủ Hà Lan còn thu hồi giấy phép của máy bay chở Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tới Hà Lan với lý do chuyến thăm của ông “có thể tạo ra nguy cơ về trật tự, an ninh công cộng”.
Phản ứng của các nước EU đã đẩy quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ vào trạng thái căng thẳng và khó cải thiện trong một sớm một chiều. Ông Erdogan tuyên bố mọi lĩnh vực trong quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với EU sẽ được xem xét lại sau ngày 16/4, ám chỉ việc Ankara sẽ tổ chức cuộc trưng cầu tiếp theo về việc ngừng xin gia nhập EU. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ có thể hủy bỏ thỏa thuận ký kết với EU hồi năm 2016, theo đó liên minh này phải dựa vào Ankara để ngăn chặn thêm người nhập cư tràn vào châu Âu.
Ngay trước thềm cuộc trưng cầu ý dân, một vụ nổ đã xảy ra ở gần trụ sở cảnh sát cơ động ở quận Baglar, thành phố Diyarbakir. Đây chỉ là một trong nhiều vụ tấn công nhằm vào lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ thời gian qua. Trong bối cảnh mâu thuẫn phe phái còn tồn tại, nỗi lo ngại về an ninh sẽ là thách thức lớn đối với chính quyền Tổng thống Erdogan trong việc tổ chức thành công trưng cầu ý dân sắp tới cũng như duy trì sự ổn định của đất nước.