Ông Erdogan cho biết quyết định của Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu khiến Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ít có khả năng thông qua thỏa thuận này, do động thái của Washington làm tổn hại đến khoản bồi thường được cam kết dành cho các nước đang phát triển.
Theo ông Erdogan, khi Thổ Nhĩ Kỳ ký Hiệp định Paris thì cựu Tổng thống Pháp Francois Hollande đã cam kết rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được xếp vào nền kinh tế đang phát triển. Điều này đồng nghĩa với việc Ankara sẽ nhận được khoản bồi thường từ quỹ khí hậu toàn cầu đối với một số chi phí thực hiện thỏa thuận.
Do đó, sau động thái của Mỹ, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có xu hướng không thông qua thỏa thuận trên. Ông Erdogan cho rằng một số quốc gia khác cũng không muốn tiếp tục ủng hộ thỏa thuận này.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. (Nguồn: The Guardian) |
Trong tuyên bố cuối cùng được Hội nghị công bố ngày 8/7, mặc dù khẳng định Hiệp định Paris là văn kiện không thể đảo ngược, song 19 thành viên của G20 công nhận quyết định của Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris. Trong khi đó, Mỹ cam kết sẽ "hợp tác chặt chẽ để hỗ trợ các nước khác được tiếp cận và sử dụng nhiên liệu hóa thạch hiệu quả và thân thiện với môi trường hơn", cũng như hỗ trợ triển khai các nguồn năng lượng sạch và tái tạo khác.
Mỹ hiện là nước có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn thứ 2 thế giới, sau Trung Quốc. Giới phân tích cho rằng sự nhượng bộ của G20 đối với Mỹ trong vấn đề chống biến đổi khí hậu là một bước thụt lùi. Và việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris sẽ khiến thỏa thuận này kém hiệu quả hơn cũng như cản trở nỗ lực toàn cầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.