📞

Thổ Nhĩ Kỳ chạm lằn ranh đỏ ở Cyprus, Mỹ-EU lên tiếng

Thế Việt 10:37 | 21/07/2021
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) chỉ trích việc Ankara và cộng đồng người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố kế hoạch mở cửa lại khu nghỉ dưỡng bị bỏ hoang Varosha ở Cyprus.
Thổ Nhi Kỳ tuyên bố kế hoạch mở cửa lại khu nghỉ dưỡng bị bỏ hoang Varosha ở Cyprus. (Nguồn: Nurphoto)

Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nêu rõ: "Động thái đó rõ ràng đi ngược lại Nghị quyết 550 và 789 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), trong đó yêu cầu đặt Varosha dưới quyền quản lý của LHQ".

Trước đó, ngày 20/7, người đứng đầu khu vực ly khai Bắc Cyprus Ersin Tatar cùng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố bắt đầu "giai đoạn hai kế hoạch mở rộng Varosha" nhằm "chấm dứt tang tóc".

Khu nghỉ dưỡng ven biển Varosha là vùng đất chia tách hai miền Nam-Bắc của hòn đảo Cprus, bị bỏ hoang kể từ năm 1974 và bị quân đội Thổ Nhĩ Kỳ phong tỏa bằng hàng rào thép gai. Việc mở lại khu nghỉ dưỡng được coi là lằn ranh đỏ đối với chính phủ CH Cyprus ở miền Nam hòn đảo này.

Về phía EU, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell bày tỏ quan ngại trước động thái của Thổ Nhĩ Kỳ và cộng đồng người Cyprus gốc Thổ.

Trong một tuyên bố, ông Borrell nhấn mạnh, phải tránh các hành động đơn phương trái với luật pháp quốc tế và các hành động khiêu khích mới có thể làm gia tăng căng thẳng trên đảo, gây nguy hiểm cho việc nối lại các cuộc đàm phán để giải quyết toàn diện vấn đề Cyprus.

EU cũng kêu gọi "chấm dứt ngay lập tức các hạn chế về quyền tự do đi lại của Lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ tại Cyprus (UNFICYP) được áp đặt tại khu vực Varosha, để phái bộ có thể tuần tra và thực hiện các hoạt động được giao phó”.

Cộng hòa Cyprus bị chia đôi vào năm 1974 sau chiến tranh Cyprus-Thổ Nhĩ Kỳ. Cộng đồng người Cyprus gốc Thổ ở miền Bắc tự lập nên Cộng hòa Bắc Cyprus, vốn chỉ được Thổ Nhĩ Kỳ công nhận, trong khi cộng đồng quốc tế vẫn xem vùng lãnh thổ này thuộc Cộng hòa Cyprus.

Các cuộc đàm phán về việc thống nhất hòn đảo đã bị đình trệ kể từ năm 2017. EU từ chối bất kỳ giải pháp hai nhà nước nào để giải quyết xung đột này.

(theo Reuters, AFP)