Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu kêu gọi Nga nhanh chóng hủy bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế. (Nguồn: Tass) |
Khi nền tảng bị lung lay
“Kinh tế và thương mại có vị trí đặc biệt, đóng vai trò nền tảng trong quan hệ song phương giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Mevlut Cavusoglu đã nhấn mạnh như vậy. Bởi thế, việc Nga áp dụng các lệnh trừng phạt kinh tế chống lại Thổ Nhĩ Kỳ vì những vấn đề chính trị là không công bằng. Ông này cho biết, trước đây, lãnh đạo hai nước đã đạt được thỏa thuận về việc sẽ không để các mối quan hệ kinh tế - thương mại bị ảnh hưởng bởi những bất đồng chính trị.
“Những lệnh cấm vận kinh tế của Nga áp đặt cho Thổ Nhĩ Kỳ đang trực tiếp tác động lên nền kinh tế của cả hai bên và sẽ có những tác động tiêu cực cho người dân Nga, không kém so với những tác động tiêu cực đến người dân Thổ Nhĩ Kỳ”, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ phân tích. Do đó, thay vì làm tình hình căng thẳng leo thang, lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cần phải giữ “cái đầu lạnh” để nhanh chóng vượt qua giai đoạn khủng hoảng hiện nay càng nhanh càng tốt, nhằm đưa quan hệ song phương trở lại quỹ đạo vốn có.
Thế yếu của Ankara
Cuối tháng Mười Một vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt kinh tế đối với các tổ chức, doanh nghiệp và hàng hóa Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi Ankara bắn rơi chiến đấu cơ Su-24 của Nga. Ngay sau sắc lệnh này, các hợp tác trong lĩnh vực du lịch, kỹ thuật, quân sự, năng lượng, nông nghiệp… giữa hai nước bắt đầu ngừng lại.
Theo các số liệu đã được công bố, năm 2014, tổng kim ngạch thương mại song phương Nga - Thổ Nhĩ Kỳ đạt 44 tỷ USD, còn GDP của Thổ Nhĩ Kỳ đạt gần 800 tỷ USD. Do đó, nếu Nga kiên quyết chấm dứt các mối quan hệ kinh tế với Thổ Nhĩ Kỳ, GDP của nước này sẽ sụt giảm khoảng 5%. Trong khi đó, tăng trưởng GDP của Thổ Nhĩ Kỳ năm 2014 chỉ là gần 3%. Bởi vậy, việc mất đi 5% GDP từ hợp tác kinh tế với Nga khi đó sẽ trở thành thảm họa đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Thiệt hại rõ ràng nhất là thất thu đáng kể của ngành du lịch Thổ Nhĩ Kỳ. Các điểm du lịch nổi tiếng của nước này bắt đầu vắng bóng khách. Chỉ tính riêng trong năm 2014, số khách Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ du lịch đạt khoảng 4,5 triệu người. Vì vậy, nếu khách Nga không tiếp tục đến Thổ Nhĩ Kỳ nữa, ngành du lịch nước này có thể sẽ tổn thất đến 3 tỷ USD vào năm 2016.
Trong khi đó, theo đánh giá, dù nền kinh tế Nga cũng chịu những tác động tiêu cực không nhỏ từ các lệnh cấm vận này, nhưng thiệt hại Nga phải gánh chịu sẽ chỉ bằng 20% so với những thiệt hại đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Hơn nữa, Nga vẫn có thể tìm các hướng khác để bù đắp lại các tổn thất trong quan hệ kinh tế với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ lại khó có thể tìm kiếm được mối quan hệ khác, ngoài Nga.
Chẳng hạn, trong lĩnh vực năng lượng, việc không xuất khẩu năng lượng sang Thổ Nhĩ Kỳ khiến Nga có thể mất đi một bạn hàng quan trọng, nhưng Moscow có thể tìm thấy các đối tác khác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, như Trung Quốc. Còn đối với Thổ Nhĩ Kỳ, lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga chiếm khoảng 60% tổng nhu cầu khí đốt của nước này. Việc Moscow cắt nguồn cung sẽ khiến Ankara gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn thay thế.
Theo nhận định của giới phân tích, hiện không phải là thời điểm thuận lợi để Nga áp dụng các biện pháp cấm vận kinh tế với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng việc Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn ký sắc lệnh ban hành các lệnh cấm vận này cho thấy sự quyết tâm của Moscow trong việc trừng phạt Ankara sau vụ Su-24. Trong khi đó, động thái lên tiếng kêu gọi Nga nhanh chóng hủy bỏ các lệnh cấm vận kinh tế của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho thấy, nước này dường như đã bắt đầu cảm thấy “ngấm đòn” các lệnh trừng phạt kinh tế của Nga.
M.C (theo Tass, NYTimes)