📞

Thổ Nhĩ Kỳ muốn gia nhập SCO, thể hiện sức hút của tổ chức hiện do Trung Quốc làm Chủ tịch

Nhất Phong 07:19 | 13/07/2024
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố mục tiêu của nước này là trở thành thành viên của Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO).
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vàTổng thống Nga Vladimir Putin bên lề Thượng đỉnh SCO tại Astana, Kazakhstan, ngày 3/7. (Nguồn: XINHUA)

Phát biểu tại họp báo ở Washington sau khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO ngày 12/7, Tổng thống Erdogan nhấn mạnh: "Mục tiêu của chúng tôi là trở thành thành viên thường trực của SCO chứ không phải thành viên quan sát. Tôi đã thảo luận vấn đề này tại hội nghị thượng đỉnh vừa qua ở Astana với Tổng thống Nga Vladimir Putin, với người đồng cấp Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev, và tôi đã yêu cầu hỗ trợ cho quá trình này”.

Bên cạnh đó, vào ngày 4/6, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan cũng cho hay nước này mong muốn trở thành thành viên BRICS, bởi Ankara nhìn thấy tầm quan trọng của tổ chức này.

SCO là một tổ chức quốc tế được thành lập vào năm 2001. SCO bao gồm Ấn Độ, Iran, Kazakhstan, Trung Quốc, Kyrgyzstan, Nga, Tajikistan, Pakistan và Uzbekistan. Belarus chính thức tham gia tổ chức vào ngày 4/7 vừa qua tại hội nghị thượng đỉnh ở Astana.

Các nước quan sát viên là Afghanistan và Mông Cổ còn các nước đối tác đối thoại của SCO là Azerbaijan, Armenia, Bahrain, Ai Cập, Campuchia, Qatar, Kuwait, Maldives, Myanmar, Nepal, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Sri Lanka.

Sau cuộc họp thượng đỉnh tại Astana, Trung Quốc bắt đầu đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên của SCO trong nhiệm kỳ 2024-2025.

Phát biểu tại SCO Astana, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh: "Không có núi non hay đại dương nào có thể ngăn cách được những con người có chung khát vọng. Với những người bạn tốt và đối tác mới cùng ngồi đây để thảo luận những vấn đề quan trọng, điều đó cho thấy rằng trong tình hình của thời đại mới, tầm nhìn của tổ chức chúng ta đã được phổ biến rộng rãi và các quốc gia thành viên của tổ chức có bạn bè trên khắp thế giới".

Trong khi đó, Tổng thống Nga Putin cho biết, "Một thế giới đa cực đã trở thành hiện thực. Vòng tròn các quốc gia ủng hộ trật tự thế giới công bằng và sẵn sàng kiên quyết bảo vệ các quyền hợp pháp của mình cũng như bảo vệ các giá trị truyền thống đang được mở rộng".

Trong lịch sử hơn 2 thập kỷ thành lập, chưa bao giờ các hoạt động trong khuôn khổ Tổ chức Hợp tác Thượng Hải lại thu hút sự quan tâm của các nước như hiện nay. SCO đang trở thành một cơ chế hợp tác đa phương hiệu quả và là một chủ thể quan trọng ở khu vực Á - Âu và rộng lớn hơn.

Theo giới phân tích, hiện nay đối với SCO, không chỉ an ninh ở khu vực châu Á là quan trọng, mà rộng hơn là an ninh trên lục địa Á - Âu.

(theo Sputniknews)