Trả lời phỏng vấn CNN (Mỹ) ngày 18/7, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan nêu rõ chính những người dân trên đường phố đã đưa ra yêu cầu đó. Theo ông Erdogan, việc khôi phục bản án tử hình sẽ do Quốc hội quyết định và ông sẽ ký thành luật dù Quốc hội có quyết định thế nào đi nữa.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong cuộc trả lời phỏng vấn CNN ngày 18/7. (Nguồn: Reuters) |
CNN cũng dẫn lời Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết các văn bản chính thức sẽ được đưa ra trong vài ngày tới về yêu cầu Mỹ dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gulen, người bị chính quyền Ankara cáo buộc chủ mưu cuộc đảo chính, về nước.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố nước này chưa đưa ra bất cứ đánh giá gì về khả năng ông Gulen có vai trò trong cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ hay không, mà chỉ được biết rằng vị giáo sĩ này đang sinh sống một cách yên bình tại bang Pennsylvania. Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cũng đã thông báo dỡ bỏ tất cả các lệnh cấm bay tới Thổ Nhĩ Kỳ, vốn được áp đặt sau cuộc đảo chính bất thành hồi tuần trước.
Những người lính thực hiện vụ đảo chính ngày 15/7 đang bị người dân áp tải. (Nguồn: Telegraph) |
Theo thông báo mới nhất của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ, có trên 7.500 người bị bắt, với hơn 100 tướng lĩnh và đô đốc; cũng như là hơn 9.000 người bị sa thải khỏi các cơ quan công quyền sau vụ đảo chính ngày 15/7. |
Cùng ngày, sau những phản ứng cứng rắn của Thổ Nhĩ Kỳ với cuộc đảo chính bất thành, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Erdogan để kêu gọi ông này tôn trọng các quy định của nhà nước pháp quyền.
Trong cuộc điện đàm, Thủ tướng Merkel bày tỏ quan ngại về hành động của Ankara đối với những người được cho ủng hộ âm mưu đảo chính, trong đó làn sóng bắt bớ và sa thải đã dẫn tới "sự quan ngại sâu sắc".
Cảnh người dân Thổ Nhĩ Kỳ xuống đường chống lại vụ đảo chính theo lời kêu gọi của Tổng thống Erdogan. (Nguồn: Mark Mackinnon Twitter) |
Thủ tướng Merkel kêu gọi Tổng thống Erdogan có phản ứng "trên nguyên tắc nhà nước pháp quyền và phù hợp". Nhà lãnh đạo Đức cũng nhấn mạnh việc tái áp đặt án tử hình ở Thổ Nhĩ Kỳ và mục tiêu trở thành thành viên Liên minh châu Âu (EU) là "không thể đi cùng nhau".
Những phản ứng của Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ đảo chính cũng đã vấp phải sự chỉ trích của công đồng quốc tế. EU đã bày tỏ lo ngại trước việc hơn 3.000 thẩm phán và công tố viên đã bị bắt giữ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài EU và NATO, Liên hợp quốc cũng lên tiếng kêu gọi Ankara phải tôn trọng trật tự hợp hiến.