📞

Thổ Nhĩ Kỳ: Tổng thống hối thúc khôi phục án tử hình

16:34 | 16/07/2017
Ngày 15/7, hàng triệu người đã tham gia các cuộc tuần hành trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ để thể hiện tình đoàn kết dân tộc nhân 1 năm ngày xảy ra vụ đảo chính bất thành tại quốc gia này.

Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố ngày 15/7 là một ngày lễ hàng năm để kỷ niệm một chiến thắng lịch sử của nền dân chủ Thổ Nhĩ Kỳ là đẩy lui một cuộc đảo chính. Nhân dịp này, phát biểu trước hàng trăm nghìn người tuần hành tại thành phố Istanbul, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã kêu gọi ủng hộ việc khôi phục án tử hình tại nước này.

Ông nhấn mạnh trước tiên cần phải tử hình những "kẻ phản bội", đồng thời tái khẳng định ông sẽ ký bất kỳ dự luật nào về việc áp dụng trở lại án tử hình mà quốc hội thông qua. Trong khi đó, trước hàng nghìn người mang cờ Thổ Nhĩ Kỳ tập trung bên ngoài tòa nhà quốc hội ở thủ đô Ankara, ông Erdogan tuyên bố vào ngày 15/7/2016 "đất nước chúng ta đã cho cả thế giới thấy chúng ta là một dân tộc như thế nào".

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại lễ kỷ niệm 1 năm ngày cuộc đảo chính bất thành, ngày 15/7. (Nguồn: EPA)

Ngoài ra, các hoạt động tuần hành tương tự cũng diễn ra tại nhiều thành phố khác trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ. Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ cũng tổ chức một phiên họp đặc biệt để kỷ niệm sự kiện. Giới chức nước này đã áp đặt nhiều biện pháp an ninh nghiêm ngặt để bảo đảm an ninh cho sự kiện cùng nhiều máy bay trực thăng cảnh sát tuần tra ở các khu vực.

Trước đó, ngày 15/7/2016, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai nhiều xe tăng ra khắp các đường phố và nhiều máy bay chiến đấu quần thảo trên bầu trời nước này trong cuộc chính biến nhằm lật đổ chính quyền của Tổng thống Erdogan, người đã cầm quyền hơn 10 năm qua tại Thổ Nhĩ Kỳ. Vụ việc đã khiến ít nhất 250 người thiệt mạng, không bao gồm những đối tượng âm mưu đảo chính, và hơn 2.000 người khác bị thương.

Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã cáo buộc giáo sĩ Fethullah Gulen đang lưu vong ở Mỹ đứng sau vụ đảo chính trên, và yêu cầu phía Washington dẫn độ ông Gulen về Thổ Nhĩ Kỳ, dù ông này liên tục bác bỏ. Sau khi ngăn chặn thành công cuộc đảo chính trên, chính quyền Ankara đã áp dụng tình trạng khẩn cấp và kéo dài đến nay, đồng thời tiến hành bắt giữ hoặc sa thải nhiều người có liên quan.

Tính đến nay, nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ khoảng 50.000 người và sa thải 150.000 người khác trong đó có nhiều viên chức, cảnh sát, giáo viên, binh lính... với cáo buộc liên hệ với các tổ chức khủng bố. Đa số những người này bị tình nghi có liên quan tới mạng lưới ủng hộ giáo sĩ Gulen.

Dự kiến, ngày 17/7, giới chức an ninh cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ sẽ xem xét việc gia hạn tình trạng khẩn cấp, hết hạn vào tuần tới.

Các hành động trấn áp sau đảo chính của chính quyền Ankara đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của các nước phương Tây, khiến mối quan hệ 2 bên trở nên căng thẳng trong thời gian gần đây. Thổ Nhĩ Kỳ đã bãi bỏ án tử hình hồi năm 2004 nhằm đáp ứng những tiêu chuẩn gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và nước này không xử tử ai kể từ năm 1984. Do đó, mọi động thái nhằm khôi phục án tử hình có thể là "dấu chấm hết thực sự" đối với việc gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ.

(theo The Guardian, BBC)