📞

Thổ Nhĩ Kỳ triệu đại biện lâm thời Đức

09:36 | 22/03/2017
Đây là diễn biến mới làm căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Đức tiếp tục leo thang.

Ngày 21/3, Thổ Nhĩ Kỳ đã cho triệu quan chức ngoại giao hàng đầu của Đại sứ quán Đức sau khi lãnh đạo tình báo Đức cuối tuần trước tuyên bố ông không bị thuyết phục rằng giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen, người hiện sống ở Mỹ, đứng sau vụ đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 7/2016.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. (Nguồn: Nile International)

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng các bình luận từ lãnh đạo Cơ quan Tình báo liên bang Đức (BND) Bruno Kahl, đăng tải trên tạp chí Der Spiegel hôm 18/3, cho thấy "thái độ dung túng và bảo vệ" đối với cái mà Ankara gọi là "Tổ chức Khủng bố Gulen". Bộ này cho biết đã triệu tập đại biện lâm thời Đức, quan chức phụ trách cấp cao nhất khi Đại sứ vắng mặt. Cũng theo Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, hiện có hàng trăm thành viên "Tổ chức Khủng bố Gulen" đang hoạt động ở Đức.

Trước đó, ông Bruno Kahl tuyên bố Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã không thể thuyết phục được cơ quan tình báo đối ngoại Đức rằng giáo sĩ Fethullah Gulen đứng sau vụ đảo chính năm ngoái tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ông nhấn mạnh: "Ankara đã cố gắng thuyết phục chúng tôi ở mọi cấp độ nhưng đến giờ họ vẫn chưa thành công".

Hiện chính quyền Mỹ cũng không thực hiện việc dẫn độ Giáo sĩ Gulen về Thổ Nhĩ Kỳ với lý do những bằng chứng mà chính quyền Ankara đưa ra để chứng minh ông Gulen là chủ mưu cuộc đảo chính bất thành hồi tháng 7 năm ngoái, chưa đủ thuyết phục.

* Cùng ngày, các chính trị gia của đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền tại Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ không tiếp tục tổ chức các cuộc mít-tinh ở Đức để vận động cho cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 16/4 tới về sửa đổi Hiến pháp theo hướng gia tăng quyền lực cho Tổng thống Tayyip Erdogan.

Phát ngôn viên Văn phòng hợp tác của AKP tại Cologne (Đức) thông báo: "Tất cả các sự kiện được lên kế hoạch trong tương lai đã bị hủy bỏ, đó là một quyết định được đưa ra ở Ankara".

Thổ Nhĩ Kỳ và các nước châu Âu, đặc biệt là Đức và Hà Lan, đang ở trong tình trạng căng thẳng. Ankara đã bắt giữ nhà báo Deniz Yücel, một người mang hai quốc tịch Đức - Thổ Nhĩ Kỳ đang làm việc cho tờ Die Welt của Đức, với cáo buộc tuyên truyền khủng bố và kích động hận thù, hay hoạt động gián điệp. Ngược lại, Đức đã hủy bỏ 6 cuộc mít-tinh của cộng đồng người Thổ tại Đức vốn dự kiến có sự tham gia của các chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ. Hành động này của Đức càng kiến quan hệ giữa Ankara và Berlin thêm căng thẳng, dẫn tới việc lãnh đạo hai nước có những tuyên bố mang tính thù địch.

(theo Reuters, TTXVN)