Một tàu ngầm cũ lớp Collins của Australia. Nước này dự định đóng 8 tàu ngầm hạt nhân theo thỏa thuận với Mỹ và Anh trong AUKUS. (Nguồn: AAP) |
Ngày 20/9, hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời người đứng đầu bộ phận thông tin đối ngoại thuộc Bộ Ngoại giao nước này khẳng định, Bình Nhưỡng cũng sẽ đưa ra “biện pháp đáp trả tương ứng trong trường hợp thỏa thuận này gây ra thậm chí là một tác động bất lợi nhỏ đến an ninh” của đất nước.
Quan chức Triều Tiên nêu rõ: “Đây là những hành động hết sức không mong muốn và nguy hiểm, sẽ làm đảo lộn cân bằng chiến lược ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và khởi động một chuỗi chạy đua vũ trang hạt nhân”. Bình Nhưỡng đang “nghiên cứu kỹ lưỡng bối cảnh” mà Mỹ đưa ra quyết định trên.
Thỏa thuận trên được đưa ra trong hiệp định về quan hệ đối tác an ninh 3 bên Mỹ-Anh-Australia (AUKUS) ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được công bố vào ngày 15/9. Theo AUKUS, Washington và London sẽ cung cấp cho Canberra công nghệ và năng lực triển khai các tàu ngầm hạt nhân.
AUKUS dẫn tới việc Australia đơn phương chấm dứt thỏa thuận đóng 12 tàu ngầm trị giá 36,5 tỷ USD với Pháp, khiến Paris nổi giận nói bị Canberra đâm sau lưng.
Pháp gay gắt chỉ trích liên minh an ninh 3 bên mới, đồng thời triệu hồi các đại sứ của nước này ở Mỹ và Australia trở về nước tham vấn.
AUKUS cũng dẫn tới sự chỉ trích từ Trung Quốc, cho rằng, đây là động thái nhằm "phổ biến vũ khí hạt nhân", cho rằng động thái này gây tổn hại hòa bình và an ninh khu vực dù liên minh AUKUS khẳng định, "mục đích chính của quan hệ hợp tác này là duy trì sức mạnh của cơ chế không phổ biến hạt nhân và uy tín của Australia về việc này.