📞

Thoát nghèo từ "siêu" thực phẩm

09:53 | 23/03/2015
Với giá trị dinh dưỡng vượt trội, những "siêu" thực phầm như hạt diêm mạch (quinoa) và hạt teff đang góp phần làm thay đổi bộ mặt nhiều vùng quê nghèo tại các quốc gia kém phát triển…
Hạt diêm mạch đang mang lại hy vọng đổi đời cho những nông dân sống trong khu vực xa xôi và nghèo nhất Bolivia. (Ảnh minh họa)

Làm giàu từ diêm mạch

Được những thổ dân ở vùng núi Andes thuộc Bolivia, Peru, Chile... trồng từ cách đây 7.000 năm, diêm mạch được coi là "hạt vàng" bởi giá trị dinh dưỡng, chữa bệnh và cả tâm linh.

Hạt diêm mạch được ưa chuộng vì có hàm lượng protein cao, không chứa gluten (một loại protein khó tiêu) và là thực phẩm duy nhất chứa tất cả axit amin quan trọng, các vitamin và nguyên tố vi lượng cần thiết. Nó còn được đánh giá là một trong những loại lương thực cân bằng, đầy đủ nhất trên thế giới và được Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) chọn làm đồ ăn cho các nhà phi hành vũ trụ.

Nhu cầu diêm mạch trên thế giới ngày càng tăng cao. Theo số liệu của Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO), trong giai đoạn 2007-2012, nhu cầu đối với diêm mạch tăng 300%. Trong khi giá lúa mì là 300 USD/tấn thì diêm mạch được bán với giá gần 3.000 USD/tấn.

Cô Petrona Uriche, một nông dân Bolivia chia sẻ, ba năm trở lại đây, diêm mạch đã trở thành nguồn thu nhập chính của những người dân trong làng. "Chúng tôi đã chuyển từ trồng ngũ cốc sang trồng diêm mạch để xuất khẩu. Một bao diêm mạch giờ đây có giá cao gấp tám lần so với vài năm trước", cô Uriche nói.

Các nhà cung cấp truyền thống là Bolivia, Peru, Chile và Ecuador cũng đang chạy đua tốc lực trong việc đáp ứng nhu cầu từ các nước phương Tây. Để tạo thế cạnh tranh, Bolivia đang hướng tới thành lập thương hiệu "Diêm mạch chính hiệu" với chất lượng cao. Nhiều chủ trang trại diêm mạch tại Peru bắt đầu sử dụng thiết bị nông nghiệp hiện đại như máy hái đập có động cơ nhằm đẩy mạnh quá trình sản xuất.

"Một số nước như Australia và Mỹ cũng đang mở rộng diện tích trồng diêm mạch. Hiện có ít nhất 50 quốc gia đang sẵn sàng sản xuất diêm mạch vì mục đích thương mại", ông Gary Rodriguez, người đứng đầu Viện nghiên cứu Ngoại thương Bolivia cho biết.

Đổi thay từ hạt teff

Đến với sân bay quốc tế Bole (thành phố Addis Ababa, Ethiopia), du khách sẽ cảm thấy ngạc nhiên thích thú khi bắt gặp những tấm áp phích khổ lớn với hình ảnh nông dân đang thu hoạch trên những cánh đồng vàng ruộm xen lẫn màu nâu đỏ trải dài bát ngát. Phía dưới là dòng khẩu hiệu đầy tự hào: "Hạt teff: Mùa vàng không gluten".

Là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, vốn nổi tiếng về tình hình an ninh lương thực bấp bênh nhưng một vài năm gần đây, Ethiopia đang dần thay da đổi thịt nhờ những cánh đồng hạt teff.

Có kích thước siêu nhỏ, không chứa chất béo hay đường, hạt teff cung cấp nguồn canxi, sắt, protein phong phú cùng các axit amin thiết yếu cho sức khỏe. Một cốc hạt teff có thể cung cấp phân nửa lượng vitamin B6 cần thiết mỗi ngày. Loại hạt này đang được các quốc gia săn lùng và là bí quyết mới của nhiều chuyên gia dinh dưỡng.

Sophie Kebede, nữ doanh nhân đang sở hữu chuỗi cửa hàng kinh doanh hạt Teff tại London (Anh) cho biết, các sản phẩm ngũ cốc không chứa gluten, đặc biệt là hạt teff đang là những sản phẩm chủ lực của cửa hàng cô. Trung bình, một 1kg bột hạt teff có trị giá 7 bảng (hơn 200.000 đồng) và luôn trong tình trạng hết hàng.

Hiện có khoảng 6,3 triệu nông dân Ethiopia trồng hạt teff với diện tích canh tác chiếm hơn 20% tổng diện tích cây trồng. Đây cũng là nguyên liệu chủ yếu làm nên bánh Injera - món ăn làm nên bản sắc của quốc gia phía đông châu Phi này.

Giống như diêm mạch, nguồn dinh dưỡng tuyệt vời của hạt teff hứa hẹn sẽ mang lại khoản lợi nhuận khổng lồ giúp nông dân Ethiopia thoát nghèo. Chính phủ nước này đang thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ các vùng trồng hạt teff như nghiên cứu, cải tiến các giống hạt, phổ biến kỹ thuật gieo trồng mới và các công cụ để giảm tổn thất sau thu hoạch…

Ly Ly (tổng hợp)