📞

Thời của rau quả xấu mã

08:00 | 14/03/2016
Đừng e ngại và hãy mở lòng với các loại rau, củ, quả có hình thù xù xì, xấu mã bởi đây chính là xu hướng ẩm thực đang được thịnh hành trong năm 2015-2016.
 

Nếu như trước đây, người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn những loại rau, củ tròn trịa, đẹp mắt thì vài năm trở lại đây, quan niệm này đã phần nhiều thay đổi. Tại nhiều siêu thị ở các nước châu Âu, với khẩu hiệu “Không ai hoàn hảo”, những quả táo, cà chua, cà rốt với hình dáng vặn vẹo lại đang được bày bán bên cạnh những rau củ quả đúng chuẩn nhưng với giá thấp hơn.

Từ năm 2013, siêu thị Coop của Thụy Sỹ đã mở riêng một gian hàng có biển “Độc đáo” để bày bán những sản phẩm dạng này với giá rẻ hơn giá rau củ quả loại một đến 60%. Các cửa hàng của tập đoàn bán lẻ Đức Rewe ở Áo cũng đồng loạt mở gian hàng “lạ thường” bày bán rau củ quả bị lỗi với lời giới thiệu: Khác với vẻ ngoài xấu xí, chúng lại rất tuyệt về chất lượng và hương vị.

Người phát ngôn của Coop cho biết, sức mua tăng quá mức hy vọng ban đầu và siêu thị đã không có đủ hàng bán vì sản phẩm “mang hơi hướng tự nhiên” này không nhiều.

Theo các chuyên gia ẩm thực, những loại rau củ quả xấu mã hoàn toàn vẫn đảm bảo được các thành phần dinh dưỡng, thậm chí còn an toàn hơn cả các loại thực phẩm có vẻ ngoài tươi ngon, bắt mắt. Đặc biệt, nông dân cũng cảm thấy phấn khởi khi thị trường chấp nhận những sản phẩm có vẻ ngoài không đúng chuẩn. Điều này chứng tỏ người tiêu dùng đã quan tâm đến chất lượng hơn vẻ ngoài.

Không chỉ là một xu hướng ẩm thực thịnh hành, phong trào sử dụng thực phẩm xấu mã cũng được Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) khuyến khích trước thực trạng lãng phí thực phẩm tại nhiều quốc gia trên thế giới. Theo số liệu của FAO, hàng năm có đến gần một tỷ tấn lương thực (tương đương với 750 tỷ USD) bị loại bỏ một cách lãng phí. Tại Bắc Mỹ và châu Âu, một nửa số thực phẩm được sản xuất ra bị vứt bỏ chứ không lên bàn ăn.

Một thống kê khác cho thấy, lượng thực phẩm do người tiêu dùng ở các nước giàu bỏ phí lên đến 222 triệu tấn/năm, gần bằng toàn bộ lượng thực phẩm của tiểu vùng Sahara ở châu Phi (230 triệu tấn/năm). Tại Mỹ, lượng thực phẩm mỗi năm bị nước này vứt bỏ có giá trị gấp 70 lần lượng dầu bị mất do sự cố giàn khoan Deepwater Horizon tại vịnh Mexico. Theo các chuyên gia nông nghiệp, chỉ cần giảm được 15% số lượng thực phẩm bị lãng phí đã có thể nuôi sống được khoảng 25 triệu người.

Trong cuốn sách vừa được xuất bản Lãng phí: Hé lộ những góc khuất của ngành thực phẩm thế giới, nhà hoạt động vì môi trường Tristram Stuart nhận định, việc phí phạm thực phẩm là một thực trạng “phi lý đến đau lòng” khi hơn một tỷ người vẫn đang phải sống trong đói nghèo, thiếu dinh dưỡng.

Vì vậy, ông Stuart khuyến nghị, các chính phủ, các tổ chức và cơ quan phát triển quốc tế cần “hợp tác để thay đổi quan niệm của con người về vấn đề tiết kiệm cũng như thay đổi các thói quen lãng phí của nông dân, nhà sản xuất thực phẩm, các siêu thị cũng như người tiêu dùng”.

(theo National Geographic)