Ảnh minh họa |
Triết lý hoạt động
Pháp, Nhật Bản và nhiều nước khác đang phải đối mặt với vấn đề này hàng chục năm nay. Nguy cơ bị gián điệp công nghiệp hay gián điệp kinh tế đang bắt đầu có ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiều công ty trên thế giới, đặc biệt ở Mỹ.
Ở Nhật Bản có một "triết lý" là tại sao phải tốn 10 năm và 1 tỷ USD để nghiên cứu và phát triển trong khi bạn chỉ cần “đút lót” cho một kỹ sư của bên đối thủ khoảng 1 triệu USD để lấy được kết quả tương tự hoặc thậm chí tốt hơn. Ở Pháp có "triết lý" khác: "trên mặt trận quân sự, Pháp và Mỹ có thể là đồng minh nhưng về kinh tế, chúng ta vẫn là đối thủ". Trong khi đó, Hàn Quốc gần đây đã nỗ lực thu thập thông tin từ các công ty nước ngoài về cho công ty nước mình, việc này được bàn thảo rất cởi mở trên truyền hình quốc gia.
Thậm chí ngay cả Nga cũng đã và đang đi theo phong trào gián điệp kinh tế. Cựu Tổng thống Yeltsin đã từng đề nghị những lãnh đạo hàng đầu ở Nga phải "xóa bỏ khoảng cách về công nghệ với phương Tây và phải tận dụng tình báo công nghiệp, kinh tế để làm việc này".
Những mất mát tiềm tàng do gián điệp đối với ngành công nghiệp Mỹ có thể tới con số 63 tỷ USD, theo một nghiên cứu của Tổ chức An Ninh công nghiệp Mỹ.
FBI ở Mỹ đóng vai trò đi đầu trong phong trào chống gián điệp kinh tế. Cục này điều tra các hoạt động gián điệp kinh tế chống lại Mỹ dưới hình thức cá nhân và tổ chức từ 23 nước khác nhau. Thậm chí những chi nhánh của FBI, đang nêu chiến dịch bảo vệ bí mật thương mại quốc gia. Những từ ngữ như "xâm nhập", "điệp viên hai mang", "tin tặc" hay "gián điệp" đang được thêm vào ngôn ngữ của nhiều công ty.
Muôn màu gián điệp
Những gián điệp kiểu này hoạt động theo rất nhiều phương cách, hợp pháp có, không hợp pháp có, để ăn cắp các bí mật của các công ty, hoặc thu thập thông tin. Một trong những cách thức có giá nhất và cũng có khả năng gây tổn hại nhiều nhất là đưa một nhân viên mới vào công ty của đối thủ hoặc đút lót cho nhân viên công ty đó. Đó là trường hợp của công ty Recon Optical. Công ty này đã ký hợp đồng 4 năm, 10 triệu USD với một chính phủ nước ngoài để thiết kế ra một máy quay giám sát máy bay. Điều khoản của hợp đồng cho phép 3 nhân viên nước ngoài của Lực lượng không quân làm việc ở Recon. Sau những tranh cãi liên tục về chi phí và các vấn đề khác, Recon đã hoãn lại hợp đồng và sa thải 3 nhân viên này. Khi họ nghỉ việc, bảo vệ đã bắt được quả tang họ đang chuyển các hộp đựng tài liệu của công ty đi. Hóa ra trong suốt quá trình làm việc, 3 người này đã liên tục truyền thông tin về cho một công ty quân sự của nước họ.
Nhiều chính phủ còn nổi tiếng với cách cho phép sinh viên học tập ở nước ngoài và xin việc làm ở những công ty cần khai thác thông tin như một nhiệm vụ quân sự bắt buộc. Một khi những sinh viên này tốt nghiệp, họ sẽ thường xuyên bị thúc giục đi nhận việc. Những công ty như vậy thường xuyên được sự "quan tâm của chính phủ nước ngoài".
Phức tạp hơn, sự phát triển của tin tặc đã khiến cho việc bẻ khóa các hệ thống máy tính các công ty, lấy đi các bí mật kinh doanh dễ dàng hơn. Thực tế cho thấy các nguy cơ có thể tấn công từ nước ngoài khiến cho việc bắt giữ trở nên bất khả thi.
Không phải tất cả các cách đều phải sử dụng tới công nghệ cao hoặc đầy màu sắc bí mật. Một số cách rất đơn giản. Raymond Damadian, Chủ tịch kiêm CEO của Fonar Corp. cho biết "để bảo vệ công nghệ nam châm sử dụng trong máy MRI, chúng tôi đã cẩn trọng đặt tất cả dây chuyền lắp đặt nằm trong bí mật. Tuy nhiên, một nhân viên Siemens đã khoe với tôi rằng việc đề phòng như vậy cũng sẽ bị vượt qua dễ dàng. Anh ta cho biết đã mời một kỹ sư đi ăn tối, chuốc rượu cho anh ta và được mời vào phòng bí mật đó để kiểm tra máy quét bao lâu cũng được, và anh ta đã làm như vậy". Có những cách hợp pháp như khi Mitsubishi bước vào lĩnh vực vũ trụ năm 1986, công ty này bắt đầu nỗ lực thu thập thông tin. Họ đã đề nghị và được cho phép lấy thông tin từ NASA. Theo ước tính, chỉ trong 1 năm 1987, Mitsubishi đã gửi 1.500 đề nghị.
Văn phòng đăng ký nhãn hiệu là một điểm yếu khác. "Người Nhật và nhiều người nước khác đã tốn nhiều thời gian ở Văn phòng đăng ký nhãn hiệu độc quyền Mỹ, đủ để thu thập được miễn phí các tài liệu về nhãn hiệu của Mỹ".
Một cách thức khác là các thông tin mật bị rò rỉ ra công chúng do bị nghe lén. Và thông tin kiểu này rất có giá. Nếu chúng bị mất theo một cách hợp pháp hơn thì giá trị của thông tin có khi còn bị giảm.
Theo Dan Whiteman, nhân viên an ninh thông tin của GM Corp, "Thật không may, cho dù có cảnh giác tới mức nào, gần như không thể ngăn được các vụ tình báo kinh tế".
Thành Châu