📞

Thời đại số và nguy cơ rác thải điện tử

17:08 | 08/11/2017
Các món đồ điện tử, hôm nay là thời thượng thì mai đã trở nên lỗi thời. Thay chiếc điện thoại mới nhiều tính năng hơn, mua cái ti vi khác sang trọng hơn... đã trở thành nhu cầu tất yếu của mỗi con người. Vấn đề đặt ra là, những món đồ điện tử cũ này sẽ đi về đâu, chúng có hại gì cho con người và môi trường?

Chúng ta cũng cần biết, loại rác thải “công nghệ cao” này có gì khác với các loại rác thải thông thường? Và việc xử lý rác thải điện tử không đúng quy cách sẽ tiềm ẩn những nguy cơ gì?

Thực trạng đáng lo ngại

Đơn cử như chiếc điện thoại, chúng ta hầu như ai cũng có, thậm chí có vài ba chiếc. Hiện nay, thế giới có khoảng gần 7,5 tỷ dân, thì có đến 4 tỷ người sử dụng điện thoại di động. Mỗi năm, thế giới sản xuất ra hơn 1 triệu chiếc điện thoại mới. Nếu xếp chồng lên nhau, số điện thoại này, thậm chí sẽ cao hơn cả trạm vũ trụ quốc tế (ISS). Đáng nói, hàng triệu chiếc điện thoại mới này, sẽ trở nên lỗi thời chỉ sau 2 năm.

Bên trong chiếc điện thoại của chúng ta không chỉ có kính, nhựa và kim loại mà còn tiềm ẩn nhiều loại chất độc hại có nguy cơ rất lớn đối với con người và môi trường. Không chỉ có điện thoại mà ti vi, máy tính, thiết bị điện tử cầm tay… trên toàn thế giới đều chính là nguồn rác thải lớn. Khủng khiếp hơn, nguồn rác thải này ngày càng gia tăng với tốc độ nhanh nhất trên hành tinh.

Đáng lo ngại hơn, hiện trên thế giới chưa có nước nào có luật quy định về cách xử lý rác thải điện tử một cách cụ thể. Một phần nguồn kim loại độc hại lớn được chôn dưới đất. Một phần trong số đó được chuyển sang các nước khác, gây nên mối nguy nghiêm trọng cho những người tái chế rác, gây ô nhiễm không khí và nguồn nước.

Rác thải điện tử. (Nguồn: UN)

Theo thống kê, năm 2014, Mỹ là quốc gia có lượng rác thải điện tử lớn nhất thế giới, với 8 triệu tấn. Tuy nhiên, một nửa số bang tại nước Mỹ vẫn xử lý số rác này bằng cách chôn lấp và ở đây cũng chưa có luật nào quy định về cách xử lý rác thải điện tử. 

Gần đây, người ta đã phát hiện ra bãi rác Agbobloshie, cách thủ đô của Ghana chưa đầy 20 phút lái xe, rộng 1,6km2. Đây là một trong những khu vực ô nhiễm nhất trên thế giới.

Hằng tháng, hàng tấn rác thải điện tử đều đặn được đổ về đây từ Mỹ và châu Âu. Hàng trăm người đàn ông, phụ nữ, trẻ em tại đây sống bằng nghề nhặt rác. Để kiếm sống, hàng ngày, họ buộc phải tiếp xúc với những vật liệu vô cùng độc hại.

Cậu bé Kabori, 13 tuổi, là một trong số nhiều trẻ em đang làm việc tại bãi rác này. 5 năm qua, cứ sau giờ tan học và vào dịp cuối tuần, người ta lại thấy em ở đây. Kabori thường phá các ti vi cũ để thu lại một số linh kiện, bán lấy tiền trang trải cuộc sống và nuôi dưỡng ước mơ của mình.

Em Kabori chia sẻ: “Ước mơ của em là trở thành một cầu thủ bóng đá. Em đang đi học vì thế em không có nhiều tiền. Làm ở đây em có thể kiếm thêm chút tiền hỗ trợ gia đình, và để mua cả giày đá bóng nữa”.

Nói về vấn đề rác điện điện tử ở Ghana, nhà hoạt động môi trường Mike Anan cho biết: “Nơi đây giống như một nghĩa trang đầy ô nhiễm dành cho các thiết bị điện tử bị vứt bỏ. Đất đai đều bị nhiễm độc. Chì, các loại khí độc… đều là những chất nguy hiểm, có thể gây bệnh. Tất cả là do việc xử lý rác thải điện tử một cách bừa bãi gây ra”.

Luật pháp quốc tế đã cấm các quốc gia xuất khẩu rác thải điện tử. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn thường được ngụy trang bằng các chuyến hàng buôn đồ cũ cho các nước còn khó khăn. Một số hàng hóa có thể được đem ra mua bán, tuy nhiên, phần lớn lại kết thúc ở các bãi rác.

Giải pháp trước mắt

Theo các nhà nghiên cứu, rác thải điện tử có thể gây nguy hiểm cho môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Nếu không được xử lý đúng cách, nó có thể giải phóng các chất độc hại như thủy ngân, chì, crom, arsen, niken... Đây là những chất vốn được coi là nguyên nhân gây ra những căn bệnh nghiêm trọng như ung thư, suy giảm nhận thức hay hủy hoại các cơ quan nội tạng.

Trung Quốc đang có những giải pháp tích cực cho việc tái chế rác điện tử. (Nguồn: eWaste Ben)

Tuy nhiên, đối phó với khủng hoảng rác thải điện tử, mối nguy mới của thời đại số vẫn là thách thức với toàn thế giới. Trong bối cảnh này, một số quốc gia đã phối hợp với các tổ chức quốc tế tiến hành những chiến dịch thu gom rác thải công nghệ cao, đồng thời giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc xử lý rác thải điện tử đúng cách.

Trung Quốc là quốc gia có nhiều thành phố lớn được biết đến như những “thủ phủ” của rác thải điện tử, nơi người dân sống bằng nghề tháo dỡ và bán lại các linh kiện. Được coi là ngành công nghiệp trị giá hàng triệu USD nhưng chính những hoạt động này lại khiến cho môi trường bị hủy hoại.

Nhận thức được vấn đề này, Tập đoàn Baidu, một doanh nghiệp công nghệ hàng đầu của Trung Quốc đã phát triển một ứng dụng thông minh có tên gọi “Recycling Station” – “Trạm tái chế”. Đây là sản phẩm ra đời từ sự hợp tác của Baidu và Chương trình phát triển Liên hợp quốc UNDP, với sự hỗ trợ của Chính phủ Trung Quốc.

Ông Kaiser Kuo, Giám đốc Truyền thông Quốc tế, Tập đoàn Baidu cho hay: “Bạn chỉ cần bật ứng dụng lên, một danh sách các sản phẩm điện tử sẽ hiện lên để bạn chọn lựa sản phẩm nào bạn đang muốn tái chế. Giả sử tôi muốn tái chế chiếc tủ lạnh này. Tôi chỉ cần chọn kích cỡ của tủ lạnh, đề ngày để mang đi và chụp một bức ảnh. Sau đó là địa chỉ của tôi. Sẽ có người đến và mang chiếc tủ lạnh này đi”.

Tập đoàn Baidu đã kết hợp với TCL, một trong những nhà sản xuất hàng điện tử lớn ở Trung Quốc trong việc xử lý rác thải điện tử. Theo đó, đồ dùng cũ mang đến TCL được xử lý một cách an toàn cho công nhân và cả môi trường. Mỗi năm, công ty TCL tái chế 100.000 tấn rác điện tử.

Ứng dụng thông minh của tập đoàn Baidu chính là cách để nhà quản lý Trung Quốc truyền thông điệp về xử lý rác thải điện tử đến người dân, đặc biệt là giới trẻ nước này.

Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm, một người thải ra môi trường 1kg rác thải điện tử. Như vậy với dân số 90 triệu người thì tổng lượng rác thải điện tử lên tới 90.000 tấn/năm. Chính vì vậy, việc thu gom, xử lý rác thải điện tử theo một chu trình an toàn cũng là vấn đề cấp bách và cần được quan tâm đúng mức.

(Nguồn: Trung tâm Phát triển và hội nhập - CDI)

(theo United Nations, CGTN Africa)