TS. Hoàng Ngọc Vinh. (Ảnh: NVCC) |
Chất lượng thí sinh đầu vào thấp ảnh hưởng đến khả năng tiếp thu, nhận thức và hình thành năng lực cần thiết để trở thành một giáo viên giỏi. Một nhà sư phạm từng nói đại ý rằng, "bạn muốn dạy cho người học một cốc tri thức thì bạn phải có cả một thùng tri thức”.
Qua đó để thấy rằng, muốn có nền giáo dục chất lượng tốt rất cần người thầy phải giỏi. Tôi đã dạy đại học gần 20 năm, cách đây chừng hai thập kỷ, chỉ cần thí sinh chênh nhau đến hai điểm đã thấy có sự khác biệt tương đối. Còn điểm đầu vào cách biệt quá lớn phản ánh sự phân hóa rất rõ.
Chỏng chơ "cửa ngõ" sư phạm…
Thực trạng như hiện nay là do cái lỗi mang tính hệ thống trong tư duy, cơ chế đào tạo, tuyển dụng, sử dụng và đãi ngộ.
Trong quá trình phát triển, ngành giáo dục chưa thực hiện tốt các dự báo, quy hoạch nhân lực, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa quy hoạch của Bộ Giáo dục & Đào tạo và địa phương, chậm điều chỉnh quy hoạch phát triển các trường sư phạm. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo quá nặng về lý luận, đôi khi lạc hậu. Hậu quả là chúng ta vừa thừa vừa thiếu giáo viên, cả về số lượng và chất lượng.
Khi cung vượt quá cầu, cộng với điều kiện làm việc vất vả và mức lương cho giáo viên không tương xứng... đã ảnh hưởng lớn đến sự thu hút đầu vào ngành sư phạm.
Kết cục là ngành Giáo dục rơi vào cái vòng luẩn quẩn không thoát ra được, càng tuyển sinh lắm, càng thất nghiệp nhiều, trong khi vẫn chưa giải quyết được số biên chế giảng viên dôi dư ở một số ngành học. Nói cách khác, đó là cách làm trọng cung mà không chú ý đến cầu.
Đừng tiếp tục vòng luẩn quẩn
Nguyên nhân thiếu việc làm cho các cử nhân sư phạm đã rõ bởi khi đầu ra đã tắc thì đầu vào không có là chuyện đương nhiên.
Ngay cả khi điểm chuẩn thấp mà vẫn cố tuyển cho đủ, trong khi không có giải pháp nâng chất lượng lên sẽ là một sai lầm. Một khi chất lượng nguyên liệu chưa tốt, rất khó cho ra lò một sản phẩm tốt. Vì vậy, nếu ngành Giáo dục tiếp tục cho ra lò những "sản phẩm" không tốt thì sẽ là sự lãng phí và thiếu trách nhiệm trước xã hội khi tiếp tục làm gia tăng con số thất nghiệp trong ngành này. Ở đây đòi hỏi các nhà làm chính sách phải tính đến bài toán kinh tế giáo dục trong phát triển các trường sư phạm.
Nhiều người lo lắng về chất lượng giáo viên trong tương lai là hoàn toàn đúng, nếu nhà trường không có các giải pháp thực tế để nâng cao chất lượng trong quá trình đào tạo giáo viên. Người ta từng nói: “Không có trò dốt, chỉ có thầy dở”. Chất lượng đầu vào là điều kiện cần nhưng tạo ra “giá trị” gia tăng cực lớn ở đầu ra mới là nhiệm vụ khó khăn.
Đâu là lối ra cho tuyển sinh sư phạm? (Nguồn: TTO) |
Theo tôi, chúng ta cần có cuộc cách mạng thật sự để giải quyết vấn đề phát triển nhân lực trong ngành Giáo dục. Đó không chỉ là câu chuyên của tuyển sinh hay đào tạo trong các trường sư phạm. Đây không chỉ là vấn đề tuyển sinh, đào tạo mà còn là câu chuyện phát triển bền vững của đất nước trong tương lai.
Việc này đòi hỏi phải có sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ cùng các Bộ ngành và địa phương cũng như toàn xã hội. Trước hết, chúng ta phải xây dựng, quy hoạch phát triển các trường sư phạm, để đi đến sáp nhập, giải thể các trường quá yếu kém. Đồng thời, ngành Giáo dục cần hình thành liên minh các trường sư phạm, để chia sẻ nguồn lực, chất xám và hợp tác cùng phát triển.
Có người nói muốn tăng lương giáo viên thì lấy tiền ở đâu? Với trên 90 triệu dân, tôi tin nếu con em họ được hưởng các dịch vụ giáo dục tốt, họ sẵn sàng đóng góp cho giáo dục. Chúng ta cũng nên tiêu tiền ngân sách công một cách thông minh hơn để không còn những dự án giáo dục hàng nghìn tỷ đồng thất bại.
Bên cạnh đó, các trường sư phạm cần thực sự vận động, tự “lột xác” bởi đổi mới là tự cứu mình trong bối cảnh đất nước hội nhập mạnh mẽ vào khu vực và thế giới như hiện nay. Cùng với đó, bản thân các trường phải tự tìm kiếm giải pháp nâng cao chất lượng, gắn với nhu cầu thực tế, đồng thời phát triển kỹ năng cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp.
(bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả)