Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng chủ trì cuộc họp với đại diện các bộ/ban/ngành liên quan về công tác phối hợp trong việc mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế, ngày 6/10. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Trao đổi với TG&VN về tình hình đàm phán quy trình đi lại ngắn ngày và nối lại đường bay thương mại thường lệ với các đối tác, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) Đỗ Hoàng Tùng cho biết, không chỉ các công dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài có nhu cầu về nước, nhu cầu vào Việt Nam của người nước ngoài cũng rất lớn, đặc biệt trong số đó có các nhà đầu tư, nhà quản lý doanh nghiệp, chuyên gia, ngoài ra là các đoàn khách cấp cao, khách dự hội nghị quốc tế có nhu cầu vào làm việc ngắn ngày.
Thống nhất Quy trình đi lại ngắn ngày
Theo Phó Cục trưởng Đỗ Hoàng Tùng, để thực hiện mục tiêu kép, tranh thủ cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư và đáp ứng nhu cầu đối ngoại, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Ngoại giao, trực tiếp do Thứ trưởng Tô Anh Dũng chỉ đạo chủ trì xây dựng, đề xuất quy trình đón một số đối tượng người từ nước ngoài được ưu tiên nhập cảnh Việt Nam làm việc ngắn ngày (dưới 14 ngày) và Quy trình này đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý vào tháng 7/2020.
Để đưa vào áp dụng trên thực tế, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế ban hành hướng dẫn y tế để theo dõi, giám sát quá trình làm việc và lưu trú ngắn ngày của khách nước ngoài tại Việt Nam; giao Bộ Ngoại giao đàm phán với một số đối tác đã đạt được hệ số an toàn cao trong phòng chống dịch về quy chế đi lại ưu tiên để áp dụng có đi có lại trong thời gian tới, vừa thuận lợi cho khách nước ngoài nhập cảnh nhưng cũng đảm bảo nhu cầu chính đáng của công dân ta xuất cảnh tới các đối tác trong bối cảnh dịch bệnh.
Quá trình trao đổi diễn ra tương đối thuận lợi, hi vọng trong thời gian tới ta có thể thống nhất Quy trình này với các đối tác, từng bước nới lỏng các hạn chế nhập cảnh, xuất cảnh, tạo nên một trạng thái bình thường mới thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nhân nước ngoài.
Nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế
Nếu nói quy trình đi lại ngắn ngày (hay còn gọi là Quy chế đi lại ưu tiên) với các đối tác là đòn bẩy để thúc đẩy phục hồi kinh tế thì việc nối lại các chuyến bay thương mại là điểm tựa cho đòn bẩy này. Nếu không sớm nối lại các chuyến bay thương mại để vận chuyển hành khách thì quy chế đi lại ưu tiên chỉ có giá trị hình thức.
Ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ “bật đèn xanh”, Bộ Giao thông Vận tải đã có chỉ đạo về việc mở lại đường bay quốc tế, yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao trao đổi, thống nhất với các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan - Trung Quốc, Campuchia, Lào (bao gồm các hãng hàng không của ta và bạn) sớm mở cửa bầu trời.
Theo kế hoạch khai thác đường bay quốc tế thường lệ của các hãng hàng không Việt Nam (chưa tính các hãng nước ngoài khai thác), hàng tuần, sẽ có bốn chuyến bay hạ cánh Hà Nội các ngày thứ Ba, Tư, Năm, Sáu (tổng số tối đa 1.304 ghế); có năm chuyến bay hạ cánh TP. Hồ Chí Minh vào các ngày thứ Ba (hai chuyến), Tư, Năm, Sáu (tổng số tối đa 1.290 ghế). Hiện nay, Vietnam Airlines và Vietjet Air đã khai thác trở lại một số đường bay quốc tế thường lệ tới Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng các chuyến này hiện chỉ chở khách từ Việt Nam đi. |
Các cơ quan liên quan cũng đã phối hợp chặt chẽ ban hành các hướng dẫn về đối tượng, quy trình nhập cảnh và những điều kiện của Việt Nam đối với người muốn nhập cảnh trước khi lên máy bay (kiểm tra thân nhiệt, cài đặt ứng dụng NCOVI và khai báo y tế, giấy xác nhận RT-PCR âm tính với Covid-19)…
Tuy nhiên, chỉ qua hai chuyến bay quốc tế thí điểm từ Hàn Quốc về Hà Nội (ngày 25/9) và về TP. Hồ Chí Minh (ngày 30/9), các cơ quan chức năng đã gặp vướng mắc trong công tác cách ly phòng dịch, đặt ra yêu cầu cần có một Hướng dẫn tổng thể về cách ly phòng dịch chặt chẽ hơn, đảm bảo tất cả người nhập cảnh Việt Nam (kể cả công dân Việt Nam và người nước ngoài) tuân thủ.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, hiện tại quy trình về bán vé, làm thủ tục hàng không và chuyên chở khách trên các chuyến bay thường lệ quốc tế về Việt Nam đã thực hiện tốt, “tắc” ở việc triển khai cách ly đối với hành khách sau khi nhập cảnh.
Công dân Việt Nam về nước bằng chuyến bay thương mại được yêu cầu tự đặt và chi trả các chi phí cách ly trong nước (tại khách sạn, nơi cách ly trả phí dân sự) và các cơ sở quân đội chỉ đáp ứng được yêu cầu cách ly cho công dân về nước theo các chuyến bay hồi hương do Chính phủ tổ chức. Trong khi đó, chi phí giữa khu cách ly quân sự và dân sự có mức chênh lệch có thể lên tới hàng chục lần, dẫn đến việc công dân ta khi về nước không tuân thủ cam kết cách ly tự nguyện.
Trao đổi về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường cho biết: “Việc cách ly công dân nước ngoài được thực hiện rất tốt. Vấn đề phát sinh nằm ở quy trình chuẩn bị khách sạn, thu phí cách ly đối với công dân Việt Nam”.
Vietnam Airlines chuẩn bị cho một chuyến bay tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. (Ảnh: Phạm Anh Tuấn) |
Thúc đẩy phối hợp liên ngành
Ngay khi có vướng mắc phát sinh, trên tinh thần quyết tâm thực hiện các chuyến bay thương mại thường lệ, ngày 6/10, Bộ Ngoại giao đã họp khẩn với các bộ, ban, ngành liên quan về công tác phối hợp trong việc mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế.
Tại cuộc họp, các đại biểu thống nhất cần sớm tháo gỡ các vướng mắc, sớm thực thi chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc nối lại các chuyến bay thương mại thường lệ. Do hành khách trên các chuyến bay rất đa dạng, nhiều thành phần nên Bộ Y tế sẽ chủ trì xây dựng Hướng dẫn y tế tổng thể cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam (bao gồm nhập cảnh ngắn ngày và dài ngày, dành cho công dân Việt Nam và người nước ngoài).
Về chi phí cách ly tự nguyện đối với công dân Việt Nam, đề nghị các địa phương tiếp tục xem xét mở rộng các khu cách ly dân sự với mức chi phí hợp lý để công dân có thêm lựa chọn, tránh tạo thêm gánh nặng tài chính cho những người vốn đang gặp khó khăn ở nước ngoài.
Trao đổi với báo chí tại cuộc họp báo ngày 13/10 về việc mở lại đường bay quốc tế, ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng Ban Truyền thông Thương hiệu của Vietnam Airlines khẳng định “Vietnam Airlines không chậm một ngày, nếu ngày hôm nay có được Hướng dẫn của Bộ Y tế, ngày mai chúng tôi sẽ bay ngay sau với những điều kiện đã sẵn sàng của mình, tuy nhiên còn tuỳ thuộc vào hành khách, như việc khách có đủ thời gian để mua vé, đặt chỗ không”.
“Với tư cách là thành viên tích cực của Ban soạn thảo Hướng dẫn tổng thể về giám sát, theo dõi, cách ly y tế đối với người nhập cảnh Việt Nam trên các chuyến bay thương mại và chủ trì trao đổi với các đối tác về Quy trình đi lại ngắn ngày, Cục Lãnh sự sẽ tham gia với tinh thần trách nhiệm cao nhất trong việc mở lại các đường bay, nối lại giao thương quốc tế, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân”, Phó Cục trưởng Đỗ Hoàng Tùng nhấn mạnh.
Nội dung quy trình đi lại ngắn ngày (dưới 14 ngày)Đối tượng áp dụng của Quy trình đi lại ngắn ngày bao gồm nhà đầu tư, quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao, thương nhân, khách ngoại giao công vụ cùng thân nhân với thời gian lưu trú tại Việt Nam dưới 14 ngày. Khác với người nhập cảnh và lưu trú dài hạn, người nhập cảnh theo quy trình đi lại ngắn ngày có quyền lợi và nghĩa vụ: Không phải cách ly tập trung; phải có xét nghiệm âm tính với Covid-19 trước khi lên máy bay vào Việt Nam 3-5 ngày; được làm việc theo chương trình phê duyệt trước ngay sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính (lần xét nghiệm tại Việt Nam); khuyến cáo khách không tiếp xúc cộng đồng, hạn chế đi lại, theo dõi y tế với người tiếp xúc trực tiếp; phải xét nghiệm 2 ngày/lần trong suốt thời gian ở Việt Nam và 1 lần trước khi xuất cảnh; phải có bảo hiểm y tế hoặc cơ quan mời đón cam kết chi trả chi phí điều trị nếu mắc Covid 19. Khách nhập cảnh và đã được cơ quan y tế Việt Nam xét nghiệm âm tính được coi là F1. Những người tiếp xúc, làm việc cùng (F2) chỉ cần tự theo dõi, giám sát về sức khỏe, vẫn được làm việc, sinh hoạt bình thường. |