Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình (hàng đầu, thứ sáu, từ phải tham dự Hội nghị Phát huy nền tảng số trong công tác Thông tin đối ngoại của Bộ Ngoại giao, ngày 8/11/2021. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Vừa là công tác tư tưởng, vừa là công tác đối ngoại
Theo Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình, công tác thông tin đối ngoại được Đảng xác định vừa là công tác tư tưởng, vừa là công tác đối ngoại.
Trong lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập nền ngoại giao hiện đại Việt Nam, là người đi tiên phong trong công tác tư tưởng, tuyên truyền, trong đó có công tác thông tin đối ngoại. Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt công tác thông tin đối ngoại ở một vị trí rất cao trong tổng thể công tác đối ngoại.
Bước vào thời kỳ đổi mới, công tác thông tin đối ngoại tiếp tục được đẩy mạnh, giúp thu hút ngoại lực để phát triển đất nước, thuyết phục dư luận quốc tế ủng hộ Việt Nam trong các vấn đề có lợi ích thiết thân đến lợi ích quốc gia - dân tộc, đến hòa bình ổn định ở khu vực.
Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra những mục tiêu chiến lược đến năm 2030 và 2045. Để hướng tới mục tiêu đó, trong bối cảnh đất nước còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, cần vận dụng cao độ nội lực, ý chí tự lực, tự cường của dân tộc, đồng thời đẩy mạnh thu hút nguồn lực, sự ủng hộ quốc tế. Sự ủng hộ này càng trở nên cần thiết hơn khi thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức to lớn và diễn ra trên nhiều mặt, kể cả những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống.
Trong bối cảnh đó, công tác thông tin đối ngoại cần phát huy tối đa vai trò của mình, để thế giới hiểu được đường lối, chủ trương, quan điểm của Việt Nam, hiểu một đất nước Việt Nam luôn vì hòa bình ổn định, tuân thủ luật pháp quốc tế và là một thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
“Chỉ khi người ta hiểu được mình, thì người ta mới ủng hộ mình, hoặc ít nhất là không chống mình. Cả trong lịch sử và chặng đường hơn 35 năm đổi mới cũng như trong tương lai - hướng tới thực hiện những mục tiêu chiến lược của đất nước - công tác thông tin đối ngoại luôn đóng một vai trò rất quan trọng”, ông Lê Hải Bình khẳng định.
Nhiều thành tựu, không ít thách thức
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chia sẻ, sau hơn ba thập niên đổi mới, 10 năm thực hiện Kết luận số 16-KL/TW ngày 14/02/2012 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020, công tác thông tin đối ngoại đạt được rất nhiều thành tựu đáng khích lệ.
Thành tựu quan trọng nhất, đó là trong tổng thể công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ đất nước, đặc biệt trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng như hiện nay, các cấp, ngành, địa phương đã có những nhận thức rất sâu sắc về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác thông tin đối ngoại.
Thứ hai, lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại cả trong và ngoài nước ngày càng phát triển.
Thứ ba, nội dung của công tác thông tin đối ngoại ngày càng phong phú. Trước đây, công tác tuyên truyền đối ngoại thường chỉ nói về đường lối quan điểm của đất nước. Tuy nhiên, trong mười năm qua, nội dung thông tin tuyên truyền đối ngoại đã phản ánh được mọi khía cạnh phát triển của đất nước, từ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, cũng như quan điểm đối ngoại của đất nước, từ đó, giúp quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa, lịch sử, tiềm năng phát triển của Việt Nam.
Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Lễ khai trương Trang Thông tin đối ngoại điện tử ngày 22/1. |
Bên cạnh đó, thông tin đối ngoại góp phần truyền tải một bức tranh chân thực, khách quan và đúng đắn nhất của thế giới đến với công chúng Việt Nam. Qua đó, người dân hiểu đúng về những gì đang diễn ra trên thế giới, trân trọng sự ổn định, sự phát triển của đất nước, càng thêm có niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Thứ tư, phương thức truyền tải thông tin đối ngoại ngày càng đa dạng hóa, đặc biệt là việc ứng dụng nhanh chóng các hình thức truyền thông mới như nền tảng kỹ thuật số, mạng xã hội.
Thứ năm, hợp tác quốc tế ngày càng được đẩy mạnh.
Tuy nhiên, theo ông Lê Hải Bình, công tác thông tin đối ngoại vẫn còn những thách thức không nhỏ. Trước hết, ở một số nơi, các cấp, ngành, địa phương còn chưa thực sự coi trọng, chưa dành nguồn lực phù hợp cho công tác thông tin đối ngoại.
Thứ hai, tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường khiến việc phản ánh bức tranh thế giới tới công chúng Việt Nam nhiều khi còn chưa đúng đắn, dễ rơi vào “bẫy” truyền thông của các nước lớn.
Thứ ba, phân khúc nội dung đến từng đối tượng chưa thực sự hiệu quả.
Thứ tư, việc thực sự mạnh dạn đổi mới nền tảng số còn đi sau so với xu thế của thế giới; đầu tư về nguồn lực, trang thiết bị còn chưa bắt kịp so với yêu cầu.
Ông Lê Hải Bình cho rằng, dù gây ra những thách thức to lớn, nhưng Covid-19 cũng đã mang đến những cơ hội mới cho công tác thông tin đối ngoại.
Chính đại dịch đã thúc đẩy lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại ngày càng đổi mới, chủ động, sáng tạo, ngày càng tiệm cận đến tính hiện đại và hiệu quả trong thế giới chuyển động rất nhanh dưới tác động của cuộc cách mạng 4.0.
“Covid-19 trở thành cú huých để phát huy những nỗ lực và sáng kiến của lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại, trong đó, điểm nhấn là việc sử dụng hiệu quả truyền thông kỹ thuật số và thành tựu khoa học, công nghệ”, ông Lê Hải Bình nhấn mạnh.
Chỉ khi người ta hiểu được mình, thì người ta mới ủng hộ mình, hoặc ít nhất là không chống mình. |
Đổi mới cơ chế phối hợp
Ông Lê Hải Bình cho rằng, với ưu thế về tiếp xúc đối ngoại và hệ thống gồm hơn 90 Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao đã trở thành lực lượng then chốt trong công tác thông tin đối ngoại. Trong khi đó, Ban Tuyên giáo Trung ương được Đảng, Bộ Chính trị giao là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại trung ương. “Trong những năm qua, đặc biệt là 10 năm thực hiện Kết luận số 16, sự phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Trung ương với Bộ Ngoại giao trong công tác thông tin đối ngoại ngày càng chặt chẽ và nhuần nhuyễn ở cả ba cấp độ mang tính hệ thống - cơ quan, đơn vị trực thuộc hai cơ quan và các cá nhân”.
Theo ông Lê Hải Bình, Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện công tác chỉ đạo, định hướng, điều phối thông tin, nhưng để thực hiện hiệu quả công tác này thì cần sự hỗ trợ, phối hợp của các cơ quan trong lực lượng thông tin đối ngoại, trong đó có Bộ Ngoại giao.
Bộ Ngoại giao là lực lượng nòng cốt trong cung cấp thông tin, quan điểm chính thức của Đảng, Nhà nước liên quan đến vấn đề đối ngoại. Thông qua hệ thống Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao có thể thu thập và cung cấp thông tin về dư luận quốc tế cũng như qua các Cơ quan đại diện để truyền tải thông tin, quan điểm của Việt Nam ra thế giới.
Ông Lê Hải Bình nhấn mạnh, “Ban Tuyên giáo Trung ương luôn luôn coi trọng và đánh giá cao vai trò của Bộ Ngoại giao – lực lượng tiên phong, chủ lực trong công tác thông tin đối ngoại của Đảng và Nhà nước”.
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại trung ương đang dự thảo Chiến lược về công tác thông tin đối ngoại giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.
Công tác thông tin đối ngoại phải gắn với mục tiêu phát triển đất nước 2030-2045 mà Đại hội Đảng ta đã đề ra. Một trong những điểm mới là tư duy về lực lượng, trong đó cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân đều có thể tham gia công tác thông tin đối ngoại. Đặc biệt, cần vận dụng, chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa các ứng dụng truyền thông kỹ thuật số, thành tựu khoa học, công nghệ của cuộc cách mạng 4.0 vào công tác thông tin đối ngoại.
Theo Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, thời gian tới, việc thông qua chiến lược và triển khai chiến lược hiệu quả là rất quan trọng.
Việc đổi mới cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, trong đó có sự phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Ngoại giao là yếu tố quan trọng để công tác thông tin đối ngoại hoạt động một cách chủ động, kịp thời, đồng bộ và hiệu quả hơn, góp phần đắc lực vào việc bảo đảm cả ba mục tiêu an ninh, phát triển và vị thế đất nước.