📞

Thông tin về địa điểm bỏ phiếu bầu cử của 4 lãnh đạo chủ chốt

Minh Nhật 19:03 | 21/05/2021
Chiều 21/5, tại họp báo công tác chuẩn bị bầu cử, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đã thông tin về địa điểm bỏ phiếu của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội.
Các đồng chí chủ trì họp báo về công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Bà Nguyễn Thị Thanh cho biết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ bỏ phiếu bầu cử ở Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bỏ phiếu tại TP. Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Minh Chính bỏ phiếu ở Cần Thơ và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bỏ phiếu tại Hải Phòng.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cũng nói về nguyên tắc, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đang cư trú tại địa bàn nào thì bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 ở nơi đó.

Tuy nhiên, một số vị đi bỏ phiếu ở địa phương khác, gắn với việc kiểm tra công tác bầu cử, chứng kiến giờ khai mạc và động viên các địa phương trong ngày trọng đại. Địa phương 4 lãnh đạo chủ chốt thực hiện quyền bầu cử cũng là nơi các vị ứng cử.

Theo đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục năm thứ 5 ứng cử đại biểu Quốc hội ở Thủ đô.

Tương tự các Chủ tịch nước tiền nhiệm gần đây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc được giới thiệu ứng cử ở TP. Hồ Chí Minh.

Lần đầu tiên, người đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng Phạm Minh Chính ứng cử đại biểu Quốc hội tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ bỏ phiếu tại TP. Cần Thơ. Trong các nhiệm kỳ trước và gần đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều là đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng.

Thay vì Hà Tĩnh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ ứng cử ở TP. Hải Phòng. Vào đầu nhiệm kỳ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ứng cử tại Hà Tĩnh, khi đảm nhiệm chức vụ Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông Vương Đình Huệ chuyển sinh hoạt từ Đoàn đại biểu Hà Tĩnh về Hà Nội.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, việc công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV trong cả nước chậm nhất là 20 ngày sau ngày bầu cử; công bố danh sách những người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 chậm nhất là 10 ngày sau ngày bầu cử.

Trường hợp trong quá trình bầu cử có khiếu nại, tố cáo, các cơ quan chức năng sẽ cần thời gian để giải quyết, sau đó công bố kết quả, xác nhận tư cách đại biểu.

Trực tiếp đi bầu để không làm mất quyền cử tri của mình

Nói về vấn đề bầu hộ bầu thay - câu chuyện rất thời sự hiện nay, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, nguyên tắc cuộc bầu cử là thực hiện nguyên tắc phổ thông, trực tiếp, bình đẳng và việc đi bầu cử là quyền và nghĩa vụ của mỗi cử tri để bầu ra người đại diện cho mình.

Vì vậy. việc đi bầu hộ, bầu thay là làm mất quyền cử tri của mình khi thực hiện quyền dân chủ trực tiếp đối với đất nước.

Bà Thanh nhấn mạnh, thực hiện nền dân chủ (dân chủ trực tiếp và dân chủ gián tiếp) thì việc trực tiếp đi bầu cử là thực hiện quyền dân chủ trực tiếp, tự tay mình bỏ phiếu bầu người thay mình tham gia các cơ quan quyền lực nhà nước ở trung ương và địa phương.

Tuy nhiên, nhìn nhận thực tế, bà Thanh cho rằng, trong thực tế cũng có những trường hợp đi bầu thay, bầu hộ. Để tránh việc bầu thay bầu hộ, theo bà Thanh, báo chí thông tin nhiều thời gian vừa rồi cũng chính là nội dung quan trọng để tuyên truyền đến người dân ý thức trách nhiệm của mình đối với cuộc bầu cử.

Bà Thanh kỳ vọng, còn 1,5 ngày nữa, các cơ quan báo chí trung ương và địa phương tiếp tục là "cánh tay nối dài" của Hội đồng Bầu cử quốc gia để cùng với các tổ chức bầu cử làm sao tuyên truyền để người dân và cử tri thực hiện đầy đủ quyền của mình.

"Báo chí tập trung tuyên truyền quyền và nghĩa vụ của công dân trong việc tham gia bầu cử, giúp cho cử tri hiểu rõ việc bầu hộ, bầu thay là vi phạm nguyên tắc bầu cử, đặc biệt là quan tâm đến địa bàn vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thường xuất hiện tình huống này nhiều hơn", bà Thanh nêu rõ.

Sẵn sàng cho bầu cử

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, đến nay, công tác chuẩn bị cơ bản đã hoàn thành, đảm bảo đúng tiến độ, sẵn sàng cho ngày bầu cử.

Đến nay, Hội đồng bầu cử quốc gia đã đồng ý cho 16 tỉnh tổ chức bầu cử sớm tại một số điểm bao gồm các tỉnh: Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Định, Cà Mau, Cần Thơ, Đăk Nông, Hải Phòng, Hậu Giang, Khánh Hòa, Kiên Giang, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Đắk Lắk, Kon Tum, Bạc Liêu, Bắc Ninh.

Tuy nhiên, ông Bùi Văn Cường cho biết, công tác chuẩn bị còn gặp hạn chế, vướng mắc như một số địa phương có số lượng người lao động đi và đến khá đông, khó khăn trong việc rà soát, lập danh sách cử tri.

Số lượng các buổi bố trí cho ứng viên đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân tiếp xúc cử tri vận động bầu cử rất khác nhau ở các địa phương, chưa phù hợp với tình hình bùng phát dịch bệnh Covid-19.

Đặc biệt, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều biến thể mới của virus, trong khi đó, vẫn còn tình trạng người về từ vùng dịch không khai báo y tế trung thực, người dân còn chủ quan, không đeo khẩu trang nơi công cộng hoặc còn tụ tập đông người, chưa thực hiện tốt 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế nên khả năng lây lan dịch bệnh trong cộng đồng là rất lớn, ảnh hưởng đến việc triển khai công tác bầu cử.

Theo ông Bùi Văn Cường, để khắc phục những hạn chế nêu trên, cần chủ động xây dựng các phương án, kịch bản tổ chức bầu cử phù hợp với tình hình từng địa phương địa bàn và triển khai các công việc theo chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị.

Tiếp tục tổ chức diễn tập kỹ càng các phương án tổ chức bầu cử trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp cũng như sẵn sàng xử lý các tình huống phức tạp về thiên tai, bão lũ, về an ninh, trật tự an toàn xã hội, nhất là trong các tình huống tụ tập đông người, đình công, lãn công, gây rối (nếu có), nhằm bảo đảm điều kiện tốt nhất cho cuộc bầu cử diễn ra thành công và an toàn.

Ông Cường cũng thông tin thêm, ngày 23/5, Hội đồng Bầu cử quốc gia sẽ bố trí bộ phận thường trực tại Tòa nhà Quốc hội để theo dõi cuộc bầu cử, đồng thời thiết lập đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận báo cáo, phản ánh từ các địa phương.

Bên cạnh đó, đề nghị Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố báo cáo nhanh kết quả bầu cử ở địa phương mình trong ngày 23/5.