📞

Thủ đô văn hóa châu Âu 1998

09:00 | 17/06/2017
Quyết định chọn Stockholm làm Thủ đô Văn hóa châu Âu 1998 vì nhiều lý do. Đó là trung tâm của nền văn hóa biển Baltique, nơi gặp gỡ Đông Âu và Tây Âu, Bắc Âu và Nam Âu, do đó có đóng góp vào nghệ thuật châu Âu. Thành lập cách đây hơn 700 năm, nó luôn luôn gắn liền với các nền văn hóa khác ở châu Âu. Sinh hoạt văn hóa của Stockholm sôi nổi. Phong cảnh Stockholm đẹp tuyệt vời.

Sau bảy năm xa cách, tôi gặp lại Stockholm, thủ đô Thụy Điển, vào đầu Thu, khi những cây bu-lô yếu chịu rét đã lốm đốm vàng. Vẫn như năm xưa, mặc dù kinh tế khó khăn, thành phố mang sắc thái một đô thị thanh lịch và thanh bình với quảng trường trung tâm Sergel đối diện năm tòa cao ốc bóng nhoáng kính và thép, những hàng xe hơi nối đuôi nhau bật đèn giữa ban ngày, những khách bộ hành đi trên vỉa hè với thái độ thoải mái, khu “thành phố cổ” Gamla Stan là nơi tập trung những công trình kiến trúc cổ kính như lâu đài nhà vua, nhà Quốc hội, nhà thờ cổ, bến đỗ tàu thuyền và xuồng thể thao (cả nước có đến hơn nửa triệu chiếc).

Nhà thờ Bromma Kyrka nằm ở ngoại ô phía tây, là một trong những nơi cổ nhất Stockholm và được bình chọn là địa danh đẹp nhất thành phố này. Nhà thờ chứa nhiều bức họa trung cổ vào cuối thế kỷ 15.

Các bạn Thụy Điển phàn nàn với tôi là mùa Hè năm nay tồi tệ quá, vì ít nắng, ít nóng, chỉ được một vài ngày thật sự là ngày hè: đó là điều thất vọng lớn đối với người dân một thành phố âm u gió lạnh, ngày đông chỉ sáu tiếng đồng hồ có ánh mặt trời.

Vinh quang lớn của Stockholm là được mang vương miện Thủ đô Văn hóa châu Âu năm 1998. Năm 1984, thủ đô Hy Lạp Athens lần đầu tiên được phong danh hiệu này do sáng kiến của Bộ trưởng Văn hóa Hy Lạp là nữ nghệ sĩ Lelina Mercouri. Từ đó, các Bộ trưởng Văn hóa các nước Liên hiệp châu Âu mỗi năm lại tặng danh hiệu đó cho thủ đô một nước châu Âu.

Quyết định ngày 13/8/1985 nói rõ: “Chương trình này phải thể hiện một nền văn hóa trong hình thành lịch sử và phát triển đương đại, được đặc trưng bởi cả những yếu tố chung lẫn sự phong phú bắt nguồn từ đa dạng… Sự thực hiện chương trình phải giới thiệu cho công chúng châu Âu, những sắc thái đặc biệt của đô thị ấy, của vùng ấy và của nước ấy”.

Năm 1993, có quyết định chọn Stockholm làm Thủ đô Văn hóa châu Âu 1998 vì nhiều lý do. Đó là trung tâm của nền văn hóa biển Baltique, nơi gặp gỡ Đông Âu và Tây Âu, Bắc Âu và Nam Âu, do đó có đóng góp vào nghệ thuật châu Âu. Thành lập cách đây hơn 700 năm, nó luôn luôn gắn liền với các nền văn hóa khác ở châu Âu. Sinh hoạt văn hóa của Stockholm sôi nổi. Phong cảnh Stockholm đẹp tuyệt vời: thành phố bồng bềnh trên nước, tỏa ra 124 hòn đảo nối liền nhau bằng năm chục cây cầu, có cả một vùng quần đảo nhỏ, chỗ nào cũng có cây xanh, cỏ xanh, công viên, lâu đài và nhà ở cổ kính hoặc hiện đại.

Để xứng đáng với danh hiệu Thủ đô 98 châu Âu, Stockholm tổ chức trong bốn mùa hàng nghìn hoạt động văn hóa, không những để giới thiệu với khách nước ngoài, mà còn muốn nhân dịp này đẩy mạnh, canh tân văn hóa của chính mình và đất nước mình. Thành phố có đủ cơ sở vật chất để thực hiện chương trình khổng lồ ấy. Có 70 rạp hát - con số cao nhất của một thành phố châu Âu (tính theo đầu người), có trên 50 viện bảo tàng và 110 thư viện (dân số thành phố: 1,5 triệu).

Tôi đến Stockholm vào tháng Chín, khi hoạt động “Thủ đô 1998” tập trung vào hai chủ đề: nghệ thuật nhiếp ảnh và đô thị: “Festival nhiếp ảnh tháng Chín”(Xpeseptember) là sự kiện nghệ thuật bao gồm nhiều cuộc hội thảo, tập huấn, thuyết trình và hơn 40 cuộc triển lãm: “Đô thị” là đề tài quán xuyến năm 1998, nhưng “bùng nổ” vào tháng Chín. Nhiều viện bảo tàng phân công nhau tổ chức triển lãm về đề tài chung là “Đô thị: Thiên đàng và địa ngục”. Cuộc triển lãm giật gân nhất có lẽ là Memento Metropolis (Ký ức siêu đô thị). Tất cả những đề tài thể hiện theo hình thức installation (nghệ thuật sắp đặt) gợi cảm giác xa lạ, vô lý, phi nhân tính tuyệt vọng của con người sống trong đô thị hiện đại. Đó là một sự cảnh tỉnh.

Hưởng ứng sự kiện Thủ đô Văn hóa châu Âu 1998, Tổ chức Hợp tác Phát triển Quốc tế của Thụy Điển (SIDA) đã mời độ năm chục kiến trúc sư, chuyên gia quy hoạch thành phố, nhà khảo cổ, nhà khoa học xã hội (thuộc Trung Đông, châu Á, Mỹ Latin, châu Phi, Trung Âu) tham gia cuộc Hội thảo quốc tế về Đô thị truyền thống địa phương và số phận toàn cầu. Ý đồ xuất phát từ mối quan tâm đến di sản văn hóa trong sự phát triển tương lai. Đoàn Việt Nam chúng tôi (gồm năm người) nhấn mạnh việc bảo vệ khu phố cổ Hà Nội và học hỏi được nhiều về kinh nghiệm các bạn quốc tế. Rồi Stockholm, một lần nữa, tôi thấy rõ tính ưu việt của văn hóa đô thị Stockholm.

Thụy Điển, 9/1998.