Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định 899/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
TG&VN xin giới thiệu bài viết của đồng tác giả - ông Peter Hồng, Uỷ viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV) và TS. Trà My - Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc, về thu hút trí thức người Việt ở nước ngoài.
Ông Peter Hồng và TS Trà My (từ trái qua) tham dự chương trình Xuân Quê hương 2023. (Ảnh: Tác giả cung cấp) |
Tầm nhìn chủ động về chiến lược
Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được ban hành vào thời điểm đất nước đang có "tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế".
Chiến lược trọng dụng nhân tài (cả trong và ngoài nước) thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước và người dân trong việc góp phần đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, thực hiện mục tiêu đến năm 2030 đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2050 trở thành nước phát triển.
Việc “phát triển đất nước dựa trên nguồn vốn con người” thể hiện một tầm nhìn, chiến lược đúng đắn. Thực tế cho thấy, các nước trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản vươn lên trở thành cường quốc thế giới đều nhờ rất lớn vào chính sách thu hút trọng dụng nhân tài.
Nhân tố chính khiến nước Mỹ tiếp tục thịnh vượng như ngày nay là nhờ một phần đội ngũ lao động thực sự có chất lượng, đặc biệt là đội ngũ nhân tài từ các nước trên thế giới.
Hàn Quốc phát triển như ngày hôm nay một phần nhờ vào việc tận dụng nguồn chất xám của đội ngũ trí thức Hàn kiều. Lực lượng này được đào tạo bài bản ở các nước phát triển, sau đó trở về đóng góp cho đất nước.
Trung Quốc coi chiến lược phát triển nhân tài là nguồn gốc của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và không tiếc chi phí để thu hút các Hoa kiều tài năng trở về nước.
Có rất nhiều kế hoạch đã được nghiên cứu và thiết lập thành công như "Kế hoạch trăm người", "Kế hoạch thu hút nhân tài kiệt xuất từ nước ngoài", "Kế hoạch đội sáng tạo hợp tác quốc tế", “Kế hoạch giới thiệu nhân tài cấp cao ở nước ngoài”, chính sách “Nhân tài trình độ cao trở về từ nước ngoài” hay xây dựng "Vườn ươm khởi nghiệp cho tài năng nước ngoài trở về"... đã góp phần to lớn trong việc chấn hưng nền kinh tế, đặc biệt khoa học, kỹ thuật, công nghệ và công nghệ hàng không vũ trụ của Trung Quốc.
Cổ nhân dạy “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Nếu nhân tài được đãi ngộ tốt, được thoả chí và có cơ hội phát triển lành mạnh, “nguyên khí” sẽ thịnh.
Ngay từ thời kỳ hoạt động bí mật, khi đất nước còn chiến tranh ác liệt, Đảng ta đã lựa chọn được đội ngũ cán bộ cách mạng có đức, có tài trung thành với Đảng, với Tổ quốc, dũng cảm, kiên cường, bất khuất, không sợ hy sinh, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao phó.
Cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc giành thắng lợi có nhiều nguyên nhân, song chọn và sử dụng đúng nhân tài là điều quyết định.
Khai thác kho báu người Việt ở nước ngoài
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho kiều bào sự quan tâm đặc biệt. Người luôn coi kiều bào là một phần “máu thịt của quê hương”, là một trong những mạch nguồn xây dựng phát triển đất nước.
Trong hành trình đi tìm đường cứu nước, Người đã sớm nhận thấy vai trò, nguồn lực quan trọng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Điển hình, trong một chuyến sang Pháp năm 1946, Bác Hồ đã thuyết phục mời thêm trí thức Việt kiều yêu nước trở về giúp Tổ quốc đang gặp nhiều khó khăn cùng mình về nước, trong đó có GS Trần Đại Nghĩa (Phạm Quang Lễ), Trần Hữu Tước, Võ Quý Huân và Võ Đình Quỳnh. Sau này, họ đều trở thành những cán bộ đầu ngành, đặt nền móng khoa học cho nước nhà.
Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của tình hình thế giới hiện nay, các quốc gia đang chạy đua với sự cạnh tranh gay gắt các trong các chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu hoá.
Quốc gia lớn có nền kinh tế mạnh luôn tạo cơ chế làm việc tốt và thiết lập nhiều chính sách thu hút nhân tài từ nhiều nước trên thế giới đến làm việc.
Tuy Việt Nam đã hội nhập sâu, rộng với cả thế giới, ngành công nghiệp nước ta vẫn nặng về gia công. Muốn tự chủ nền kinh tế, cần phải chuyển dịch từng nấc thang, từ việc nghiên cứu khoa học đến chế tạo, thiết kế sản phẩm, gây dựng thương hiệu đều cần có hàm lượng công nghệ cao hơn, có giá trị gia tăng lớn hơn, mới có thể cải thiện vị trí của mình trên trường thế giới.
Việt Nam đồng thời với việc giữ chân các nhân tài đã và đang làm việc trong nước, chúng ta cũng cần tìm cách thu hút những hiền tài từ nước ngoài đến đóng góp xây dựng đất nước.
Hiện có gần 6 triệu người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài. Đây là nguồn lực quý để xây dựng đất nước. Mỗi năm có hàng trăm ngàn lượt doanh nhân Việt kiều về nước tìm cơ hội, kết nối kinh doanh trong nước; có hàng ngàn lượt chuyên gia, trí thức về tham gia hợp tác nghiên cứu khoa học, hợp tác giáo dục, giảng dạy, chuyển giao công nghệ ở Việt Nam.
Đến nay, có rất nhiều doanh nghiệp Việt kiều đã đầu tư và phát triển thành công trong nước. Tính riêng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã có hơn 3.000 doanh nghiệp do Việt kiều đầu tư với số vốn đăng ký trên 45.000 tỷ đồng.
Và dù làm ở lĩnh vực nào, doanh nhân Việt kiều đều không đặt nặng vấn đề lợi nhuận, mà quan tâm đóng góp xây dựng quê hương, tạo công ăn việc làm cho nhiều người hơn.
Nói cách khác, Việt kiều mang về quê hương những dự án của tấm lòng. Vì vậy, hãy cho nhân tài những “ngôi nhà” để về và không để họ đơn độc, lạ lẫm trong chính căn nhà của mình.
Hoạch định các tiêu chí để phân cấp độ nhân tài
Làm thế nào để thu hút nhân tài Việt kiều hồi hương, cùng hướng về quê hương, về đóng góp cho sự phát triển của đất nước, không chỉ ở lĩnh vực khoa học công nghệ mà còn ở nhiều lĩnh vực khác như kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, kinh doanh...?
Đầu tiên, chúng ta nên lập khung xây dựng chính sách và hoạch địch tiêu chuẩn cùng các cấp độ đánh giá nhân tài. Phân chia nhân tài thành năm cấp độ khác nhau là A, B, C, D và E, từ đó có những chính sách đãi ngộ khác nhau:
Nhân tài loại A: dành cho những tài năng kiệt xuất tại quốc tế, ví dụ người đoạt giải Nobel; các Viện sỹ; những nhân tài xuất sắc đạt giải khoa học công nghệ quốc tế;
Nhân tài loại B: dành cho những tài năng từng đoạt giải thưởng cấp quốc gia cho các dự án khởi nghiệp, dự án sáng tạo dài hạn, dự án chuyên gia nước ngoài, ứng viên dự án văn hóa nghệ thuật; chuyên gia có đóng góp xuất sắc cho đất nước; nhân tài chuyên môn kỹ thuật tiêu biểu cấp quốc gia;
Nhân tài loại C: dành cho những tài năng đạt giải cấp tỉnh. Bao gồm các dự án khởi nghiệp, chuyên gia nước ngoài, dự án văn hóa nghệ thuật; giải Tay nghề giỏi; danh hiệu Chuyên gia kỹ thuật, khoa học, công nghệ sáng kiến xuất sắc cấp tỉnh...
Nhân tài loại D: dành cho những tài năng đạt giải thưởng cấp thành phố, đạt giải kỹ thuật; ứng viên tài năng; nhân tài lãnh đạo ... và có sức ảnh hưởng cấp thành phố.
Nhân tài loại E dành cho những tài năng trở về từ TOP 100 các trường đại học danh tiếng hàng đầu thế giới, những nhân tài có bằng tiến sĩ trở lên, hay những tài năng xuất sắc khởi nghiệp được lựa chọn từ cấp huyện, các thợ giỏi lành nghề đạt giải đương đại, có ảnh hưởng và chuyên môn về các lĩnh vực khoa học công nghệ, y tế, giáo dục, du lịch, giao lưu văn hoá, xã hội và các thành phần kinh tế...
Ông Peter Hồng và TS Trà My trong buổi làm việc với Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam. (Ảnh: Tác giả cung cấp) |
Hoạch định các chính sách đãi ngộ khác nhau về các lĩnh vực
Về lương và phúc lợi, cần khuyến khích các chính sách lương cao, phúc lợi phong phú, trợ cấp nhà ở, bảo hiểm y tế, miễn phí thuế thu nhập cá nhân…
Việc khích lệ và hỗ trợ các nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo bao gồm việc thành lập các quỹ nghiên cứu khoa học, cơ sở vật chất phòng thí nghiệm, thúc đẩy hỗ trợ hợp tác quốc tế và trao đổi học thuật với nước ngoài.
Với những Việt kiều trở về nước để bắt đầu khởi nghiệp riêng, nên hỗ trợ vốn khởi nghiệp, ưu đãi miễn phí các khoản vay không lãi suất, hay huy động vốn đầu tư từ các hình thức khác, dựa trên mức độ nhân tài có tài năng khác nhau và đánh giá dự án khởi nghiệp khác nhau.
Ngoài ra, cần hướng dẫn và hỗ trợ các Việt kiều quy tụ về những vườn ươm khởi nghiệp tập trung cho những nhân tài giỏi hoặc các dự án khởi nghiệp xuất sắc (như miễn phí mặt bằng 2 năm, giảm 50% chi phí mặt bằng từ năm thứ 3, ưu đãi về thuế). Bên cạnh đó, có chính sách linh động với VISA, giấy phép lao động lao động, thẻ xanh, thẻ chuyên gia, hay quốc tịch cho Việt kiều...
Các địa phương cũng nên thiết lập bộ phận chuyên trách, xây dựng cơ chế ưu đãi riêng cho doanh nghiệp Việt Kiều khởi nghiệp, từ khi đăng ký thành lập, luật về đầu tư nước ngoài thông thoáng, minh bạch, sở hữu trí tuệ công bằng, không phân biệt đối xử...; cũng như có cán bộ chuyên trách lắng nghe, nắm bắt nguyện vọng, ý kiến đề xuất và giải quyết kịp thời khi nhân tài Việt kiều gặp khó khăn.
Xây dựng chính sách chăm lo cuộc sống thân nhân cho những Việt kiều nhân tài cao cấp cũng nên được chú trọng như cung cấp điều kiện sống sinh hoạt tốt cho nhân tài khi trở về nước (hỗ trợ thuê rẻ/ mua rẻ căn hộ chung cư, căn hộ chuyên gia, hỗ trợ giảm thuế khi mua xe), đơn giản hóa thủ tục hành chính và tạo điều kiện thuận lợi cho vợ/chồng hoặc con cái về nước sống cùng họ; chính sách hỗ trợ giáo dục con em nhân tài được theo các trường học chất lượng cao hoặc các trường quốc tế tốt cho việc học tập của con cái họ.
Đặc biệt, chúng ta cần gây dựng chương trình giới thiệu nhân tài quay về. Dân gian có câu “Thiên lý Mã thì dễ gặp, nhưng Bá Lạc mới khó tìm”. Vì người như Bá Lạc không chỉ cần có tài năng, cần năng lực nhận biết người tài, mà cần phải có tấm lòng độ lượng với người tài đó và luôn là người giỏi phán đoán sở trường của người khác. Vậy nên, sẽ có nhiều Thiên lý Mã hơn nếu gặp được những người như Bá Lạc.
Thông qua việc xây dựng và thực hiện các chính sách này, chúng ta sẽ thấy xuất hiện nhiều hơn những nhân tài xuất chúng nổi bật trong các lĩnh vực khác nhau và có những đóng góp quan trọng cho sự thịnh vượng của đất nước và xã hội.