📞

'Thủ phủ' sầu riêng Krông Pắc, Đắk Lắk chuyển mình mạnh mẽ

Xuân Hùng 20:38 | 06/10/2024
Huyện Krông Pắc nằm trên tuyến hành lang phía Đông và trong vùng trọng điểm phát triển kinh tế của tỉnh Đắk Lắk. Thời gian qua, huyện có những bước tiến vượt bậc, ghi dấu ấn tượng về phát triển kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp.
Krông Pắc là huyện giàu tiềm năng để phát triển nông nghiệp. (Nguồn: UBND huyện Krông Pắc)

Krông Pắc cách thành phố Buôn Ma Thuột 30 km dọc theo Quốc lộ 26 nối liền Khánh Hòa và các tỉnh duyên hải miền Trung. Huyện có diện tích tự nhiên 62.581 ha, gồm 16 đơn vị hành chính (1 thị trấn và 15 xã), dân số 196.000 người, với 23 dân tộc anh em cùng sinh sống.

Sầu riêng - hướng kinh tế mới ở Krông Pắc

Krông Pắc là huyện giàu tiềm năng để phát triển nông nghiệp (diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 52.000ha), với nhiều loại cây chủ lực như cà phê, sầu riêng, lúa, vải thiều... Vì vậy, lĩnh vực nông nghiệp được xem là “đầu tàu” phát triển kinh tế của huyện.

Quy mô sản xuất nông nghiệp tập trung đối với các cây trồng chính chủ lực mũi nhọn của huyện đã được mở rộng và phát triển theo chiều sâu, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, nâng cao chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo sản xuất có chứng nhận, truy xuất nguồn gốc đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, thị trường trong nước và xuất khẩu. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tính trên 1 ha đất đến cuối năm 2023 ước đạt 141,4 triệu đồng/ha/năm; tăng 1,78 lần so với năm 2020.

Những năm qua, ngành nông nghiệp huyện tăng trưởng khá, giữ vai trò quan trọng trong ổn định và phát triển kinh tế của địa phương và đời sống nhân dân. Việc ứng dụng khoa học công nghệ từng bước được thực hiện, năng suất một số cây trồng, vật nuôi tăng lên; nhiều mô hình sản xuất được áp dụng rộng rãi tại địa phương, góp phần tăng hiệu quả sản xuất.

Du khách thăm vườn, thưởng thức sầu riêng tại Krông Pắc. (Nguồn: UBND huyện Krông Pắc)

Xác định sản xuất nông nghiệp hàng hóa bền vững là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm mang tính đột phá, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Krông Pắc đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 07-NQ/HU, ngày 09/4/2021 “về phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững giai đoạn 2021-2025”.

Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, huyện đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện và đạt được những kết quả nổi bật. Đơn cử như hỗ trợ xây dựng cánh đồng mẫu lớn, vùng sản xuất hàng hoá tập trung trên cây lúa nước, hỗ trợ bà con trong việc đưa những giống lúa có giá trị cao vào sản xuất như ST24, ST25 với tổng diện tích 1.824 ha, triển khai xây dựng, chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP được 200 ha.

Song song với đó là kết nối với các doanh nghiệp, hợp tác xã để xây dựng các chuỗi liên kết bền vững, qua đó đã hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm, đến vụ Đông Xuân 2022-2023, toàn huyện đã có diện tích 1.047 ha. Đăng ký được nhãn hiệu Sầu riêng Krông Pắc (KRONG PAC DURIAN) cho Hội Nông dân huyện Krông Pắc; đã được cấp 29 mã vùng trồng trên cây sầu riêng với tổng diện tích 1.850 ha.

Lễ hội sầu riêng Krông Pắc lần thứ II năm 2024. (Ảnh: Xuân Hùng)

Đặc biệt, huyện đã tổ chức thành công Lễ hội sầu riêng Krông Pắc lần thứ I (năm 2022) và lần thứ II (năm 2024) để lại nhiều dấu ấn, thu hút nhiều lượt du khách về tham quan. Huyện cũng đăng cai tổ chức Lễ công bố xuất khẩu chuyến hàng sầu riêng đầu tiên theo Nghị định thư ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc về xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc.

Với sầu riêng, nhờ những lợi thế, thiên nhiên ưu đãi về thổ nhưỡng, khí hậu, cây sầu riêng hiện nay đang đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của huyện, mang lại lợi nhuận và thu nhập cao cho người dân địa phương. Tính đến nay, toàn huyện Krông Pắc có tổng số 34 mã vùng trồng sầu riêng được Cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt, với diện tích 2.015 ha sầu riêng của 3.761 hộ dân thuộc địa bàn các xã Ea Yông, Ea Kênh và Ea Knuếc. Số cơ sở đóng gói các loại trái cây tươi xuất khẩu đã được cấp mã số đang hoạt động trên địa bàn huyện hiện có 13 cơ sở (đã và đang được kiểm tra, giám sát).

Ngành hàng sầu riêng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói chung và “thủ phủ” ngành sầu riêng Đắk Lắk - Krông Pắc - có rất nhiều thuận lợi khi Việt Nam vừa ký nghị định thư với Trung Quốc về xuất khẩu đối với sầu riêng đông lạnh. Vì vậy, ngành hàng sầu riêng trên địa bàn huyện được kỳ vọng sẽ ngày càng phát triển bền vững hơn, mở ra một hướng phát triển kinh tế mới cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.

Thị trấn Phước An, Krông Pắc nhìn từ trên cao. (Nguồn: Báo Đắk Lắk)

Kinh tế tăng trưởng tốt, nhiều lợi thế hút đầu tư

Từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, các mặt kinh tế - xã hội của Krông Pắc đều khởi sắc rõ rệt, tất cả các nhóm chỉ tiêu qua hơn nửa nhiệm kỳ đều đạt và vượt tiến độ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIV đề ra.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, kinh tế huyện Krông Pắc tiếp tục tăng trưởng tốt với tổng giá trị sản xuất toàn nền kinh tế (theo giá hiện hành) ước đạt 20.008 tỷ đồng, đạt 85,9% chỉ tiêu nghị quyết, tăng 51,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Nhiều chỉ tiêu đạt và tăng so với cùng kỳ năm 2023 như: Tổng sản lượng lương thực ước đạt 162.226 tấn, đạt 84,2% kế hoạch và tăng 0,6%. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp, xây dựng ước đạt 5.322 tỷ đồng, đạt 96% kế hoạch, tăng 3.035 tỷ đồng. Tổng giá trị sản xuất ngành dịch vụ ước đạt 5.800 tỷ đồng, bằng 92,8% kế hoạch và tăng 2.130 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt nhiều kết quả tích cực. Chính sách an sinh xã hội được triển khai đầy đủ, kịp thời. Các chương trình mục tiêu quốc gia được tập trung triển khai. Đời sống nhân dân được cải thiện, nâng cao. Tình hình quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được duy trì đảm bảo.

Trong các lợi thế thu hút đầu tư của huyện Krông Pắc, hạ tầng giao thông đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Ngoài trục “xương sống” Quốc lộ 26, hai dự án giao thông trọng điểm của tỉnh và của cả vùng Tây Nguyên qua địa bàn huyện Krông Pắc đang được triển khai xây dựng là Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột và Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột cũng mở ra kỳ vọng thay đổi mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội.

Nổi bật, Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đoạn qua địa bàn huyện Krông Pắc đã cơ bản đạt mức giải phóng mặt bằng 100%, với 4 nút giao tại các xã: Hòa Đông, Ea Knuếc, Tân Tiến, Vụ Bổn. Đến nay, các tuyến giao thông kết nối với cao tốc như Tỉnh lộ 9, tuyến giao thông liên xã Ea Phê - Ea Kuăng - Vụ Bổn… đã cơ bản được đầu tư nâng cấp, mở rộng.

Nhiều dự án kêu gọi đầu tư của huyện đang đi trước, đón đầu lợi thế giao thông như: Dự án Cụm Công nghiệp Tân Tiến, Dự án nhà ở Tân Tiến Garden (xã Tân Tiến); Dự án Logistics (xã Tân Tiến và xã Ea Uy); Dự án trang trại chăn nuôi lợn giống công nghệ cao ITVN (xã Vụ Bổn); Dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (xã Krông Búk)…

Với tinh thần “Đổi mới, đột phá, quyết tâm, khát vọng”, chính quyền, người dân và doanh nghiệp Krông Pắc đã nỗ lực để diện mạo của huyện ngày càng “thay da đổi thịt”, đời sống kinh tế, tinh thần của người dân được nâng lên đáng kể, kinh tế phát triển nhanh, mạnh, dần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng huyện Krông Pắc thành huyện nông thôn mới, vững mạnh toàn diện vào năm 2025.