Thứ trưởng Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng chống dịch tại BVĐK Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. (Nguồn: Sức khỏe&Đời sống) |
Ngày 5/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn - Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại TP. Đà Nẵng đã trả lời báo chí một số vấn đề xung quanh công tác phòng, chống dịch Covid-19, cũng như hoạt động của đoàn công tác Bộ Y tế tại Đà Nẵng.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, báo cáo của Sở Y tế và Bộ Y tế trong giai đoạn 1 đã mua đầy đủ trang thiết bị. “Một số cơ sở sản xuất trong nước đang được huy động để sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ cho nhân viên y tế. Bên cạnh đó những cá nhân và tổ chức đã hỗ trợ nhập các trang thiết bị từ nước ngoài ủng hộ cho công tác phòng chống dịch. Nhiều đơn vị trong nước đã tăng cường sản xuất để giúp đỡ ngành Y đảm bảo đầy đủ trang thiết bị y tế”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Trả lời về kế hoạch điều trị cho các cán bộ y tế mắc Covid-19, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn thông tin: “Đối với các y, bác sĩ mắc Covid-19, Bộ Y tế cũng chỉ định điều trị như các bệnh nhân Covid-19 khác. Tuy nhiên các cơ sở điều trị sẽ bố trí khu cách ly riêng để đảm bảo thời gian điều trị, hồi phục đảm bảo phục hồi sức khỏe cho các bác sĩ để sớm tiếp tục quay lại phục vụ công tác phòng chống dịch”.
Trong những ngày qua, Thứ trưởng đã khảo sát, làm việc, chỉ đạo đối với nhiều bệnh viện tại TP. Đà Nẵng. Thứ trưởng cũng thông tin: “TP. Đà Nẵng có 3 bệnh viện công lớn nhất đã bị phong tỏa vì Covid-19, như vậy áp lực cho các cơ sở y tế khác tại địa phương là rất lớn trong công tác đảm bảo chăm sóc sức khỏe nhân dân".
Do vậy, Bộ Y tế đề xuất với Sở Y tế Đà Nẵng tận dụng các cơ sở y tế hiện có, đặc biệt là hệ thống bệnh viện tư nhân như Bệnh viện Gia Đình và Bệnh viện Vinmec tham gia vào công tác thu dung khám bệnh, chữa bệnh và tiếp nhận các trường hợp nhiễm Covid-19, F1 tại bệnh viện Đà Nẵng”.
Về tầm quan trọng của việc xây dựng Bệnh viện dã chiến tại Cung Thể thao Tiên Sơn, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết: “Đối với việc xây dựng bệnh viện nói chung và bệnh viện dã chiến nói riêng mục tiêu quan trọng nhất là đảm bảo an toàn cho người bệnh trong đó có quy trình tiếp nhận, xử lý và thu dung điều trị. Ngoài ra còn phải bố trí phân luồng bệnh nhân và nhân viên y tế một cách hợp lý nhất đảm bảo môi trường y tế an toàn và tạo điều kiện thuận lợi cho nhân viên khi thực hiện các quy trình về y tế cho người bệnh. Bộ Y tế đã thị sát Bệnh viện dã chiến ở Cung thể thao Tiên Sơn, đây là một quyết định kịp thời và đúng đắn của Lãnh đạo Thành phố Đà Nẵng. Cơ sở này rất thoáng mát, có nhiều cửa để thông khí tránh việc virus phát tán”.
Đặc biệt, khi nhắc đến việc chủ động xin Thủ tướng ở lại Đà Nẵng "chiến đấu" đến khi hết dịch, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh: “Không chỉ tôi mà là chúng tôi, bao gồm tất cả các thầy thuốc được Bộ Y tế cử đến miền Trung đều có nguyện vọng muốn ở lại tham gia công tác phòng chống dịch cho đến khi hết dịch. Đây là nghĩa vụ và cũng là mong muốn hết sức bình thường của thầy thuốc để đảm bảo giúp đẩy lùi dịch bệnh tại miền Trung”.
Cán bộ y tế Hải Phòng tại lễ ra quân tình nguyện đến Đà Nẵng hỗ trợ phòng chống Covid-19. (Nguồn: Sức khỏe&Đời sống) |
Trước đó, trên cơ sở đề nghị của UBND TP. Đà Nẵng về việc hỗ trợ nhân lực y tế phòng, chống, điều trị dịch bệnh Covid-19, ngày 4/8, UBND tỉnh Bình Định quyết định thành lập đoàn công tác gồm 25 y, bác sỹ của Bình Định tăng cường hỗ trợ TP. Đà Nẵng chống dịch Covid-19.
Theo đó, các cơ sở khám, chữa bệnh công lập sẽ lựa chọn, cử bác sỹ, điều dưỡng tham gia đoàn công tác; đồng thời sắp xếp, bố trí nguồn nhân lực đảm bảo phòng, chống dịch tại tỉnh.
Giám đốc Sở Y tế Bình Định Lê Quang Hùng cho biết, đoàn công tác của Sở Y tế Bình Định gồm 25 y, bác sỹ sẽ được cử đến Đà Nẵng để hỗ trợ địa phương này tham gia chống dịch. Hiện, Sở Y tế Bình Định đang liên hệ Sở Y tế Đà Nẵng có kế hoạch tiếp nhận đoàn và triển khai chống dịch tại Đà Nẵng.
HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hà Nội cũng đã quyết định hỗ trợ Đà Nẵng, Quảng Nam mỗi địa phương 1 tỷ đồng. Ngoài ra, hỗ trợ cho Đà Nẵng 100.000 khẩu trang y tế và 224 chai rửa tay sát khuẩn. Theo UBND TP. Hà Nội, toàn bộ số vật tư hỗ trợ cho Đà Nẵng đã được vận chuyển đến địa phương này trong ngày 4/8.
Cùng trong động thái liên quan, ngày 5/8 đoàn 33 cán bộ y tế của Hải Phòng gồm 9 Bác sĩ, 24 điều dưỡng là những cán bộ có trình độ kinh nghiệm thuộc 3 chuyên ngành Nội hộ hấp, Hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm của 3 Bệnh viện Việt Tiệp, Kiến An, phụ sản đã lên đường đi chi viện cho Thành phố Đà Nẵng.
Đồng thời, Sở Y tế Hải Phòng cũng cử Phó Giám đốc, Tiến sĩ Trần Anh Cường làm trưởng đoàn. Thành phố Hải Phòng hỗ trợ Đà Nẵng và Quảng Nam mỗi địa phương 5 tỷ và 200.000 khẩu trang y tế.
Ngoài các địa phương trên, ngày 4/8, đội phản ứng nhanh số 5 của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) đã lên đường ra hỗ trợ Bệnh viện Phổi Đà Nẵng điều trị các bệnh nhân nhiễm Covid-19. Đợt này có 2 chuyên gia chuyên về thận nhân tạo và ngoại thần kinh.
Không chỉ Bệnh viện Chợ Rẫy, từ ngày 1/8 hai bệnh viện trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh gồm ĐH Y Dược và Bệnh Nhiệt đới đồng loạt tăng cường nhân sự chuyên về kiểm soát nhiễm khuẩn, hồi sức để chi viện cho Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, nơi đang điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng từ Đà Nẵng chuyển về.