Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Hoàng Giang trả lời phỏng vấn báo chí. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Sau thành công tốt đẹp của Phiên thảo luận mở cấp Bộ trưởng về chủ đề “Bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với sự sống của người dân” do Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì dưới hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến ngày 27/4, Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang đã chia sẻ về mục đích và ý nghĩa của một trong ba sự kiện điểm nhấn trong tháng Việt Nam là Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ).
Tính cấp thiết, tiếp nối và sự gắn kết
Phiên thảo luận mở về “Bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với sự sống của người dân” là sự kiện kết thúc chuỗi sự kiện điểm nhấn của Việt Nam trong tháng Chủ tịch tại HĐBA.
Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang cho biết việc lựa chọn chủ đề này có ba lý do quan trọng.
Thứ nhất, đây là nội dung mang tính cấp thiết.
Mặc dù hòa bình, ổn định là xu thế lớn nhưng xung đột kéo dài tại nhiều nơi đang ảnh hưởng tới cuộc sống của hơn 50 triệu người dân thường trên thế giới.
Dưới ảnh hưởng của xung đột vũ trang, các cơ sở thiết yếu như cơ sở sản xuất nông nghiệp, y tế, cung cấp nước sạch, xử lý chất thải, cung cấp điện… bị phá hủy, dẫn tới gián đoạn các dịch vụ thiết yếu để duy trì sự sống của người dân.
Khi nói tới hậu quả chiến tranh, người ta thường chú ý tới con số thương vong do giao tranh trực tiếp. Tuy nhiên, trên thực tế, tỉ lệ tử vong do tác động gián tiếp của xung đột vũ trang như mất an ninh lương thực, ô nhiễm nguồn nước, không được khám chữa bệnh khi các cơ sở hạ tầng thiết yếu bị phá hủy còn cao hơn số thương vong bởi bạo lực và tấn công trực diện.
Theo Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang, việc phá hủy cơ sở hạ tầng thiết yếu còn để lại hậu quả lâu dài, ảnh hưởng đến quá trình tái thiết và xây dựng hòa bình bền vững hậu xung đột. Ví dụ như thiếu phương tiện sinh tồn có thể đẩy người dân vào tình trạng đói nghèo, tạo mầm mống cho xung đột, bạo lực quay trở lại; thiếu hạ tầng thiết yếu có thể cản trở các nỗ lực cứu trợ nhân đạo và quá trình hồi hương an toàn, tự nguyện của cộng đồng dân cư bị mất nơi cư trú trong chiến tranh…
Thứ hai, đây là sự tiếp nối và bổ sung của chủ đề đối với chương trình nghị sự của HĐBA.
Bảo vệ thường dân là một trụ cột quan trọng trong chương trình nghị của HĐBA, với vai trò là cơ quan chủ chốt trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.
Trong đó, khía cạnh bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với sự sống của người dân đã được HĐBA thảo luận từ nhiều năm nay và thông qua một số Nghị quyết đề cập các loại cơ sở hạ tầng cụ thể như bệnh viện, an ninh lương thực. Tuy nhiên, đến nay chưa có cách tiếp cận tổng thể, toàn diện về chủ đề này.
“Phiên họp đã tạo cơ hội cho các nước thảo luận một cách tổng thể vấn đề bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là trong bối cảnh các nguy cơ an ninh phi truyền thống đang nổi lên như an ninh lương thực, dịch bệnh, suy thoái môi trường làm phức tạp thêm ảnh hưởng của xung đột vũ trang đối với người dân”, Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang nói.
Thứ ba, đó là sự gắn kết chặt chẽ của chủ đề này với những vấn đề ưu tiên của Việt Nam tại HĐBA.
Thông điệp của Việt Nam trong nhiệm kỳ Ủy viên Không thường trực (UVKTT) HĐBA lần này là Đối tác vì hòa bình bền vững.
Bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu cho sự sống của người dân chính là một nền tảng quan trọng của một nền hòa bình bền vững, lấy sự an toàn và sinh kế của người dân làm trung tâm.
Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh, thông qua việc tổ chức Phiên thảo luận mở này, một lần nữa, Việt Nam khẳng định thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tuân thủ luật pháp quốc tế, bảo vệ thường dân và xâu chuỗi những vấn đề ưu tiên Việt Nam đã thúc đẩy từ đầu nhiệm kỳ như ngăn ngừa xung đột, giải quyết hậu quả bom mìn, tái thiết hậu xung đột…
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì Phiên thảo luận mở cấp Bộ trưởng về chủ đề “Bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với sự sống của người dân” trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tháng 4/2021. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
"Di sản" của Việt Nam trong nhiệm kỳ UVKTT
Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang đánh giá thành công lớn nhất của Phiên Thảo luận mở này là Việt Nam đã đề xuất và thúc đẩy HĐBA thông qua Nghị quyết 2573 về bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu cho sự sống của người dân với sự đồng thuận tuyệt đối (15/15 phiếu thuận).
Đây là lần đầu tiên HĐBA LHQ thông qua Nghị quyết về chủ đề này và là cũng là Nghị quyết đầu tiên do Việt Nam soạn thảo và chủ trì thương lượng, thúc đẩy thông qua trong nhiệm kỳ UVKTT HĐBA.
Đặc biệt, Nghị quyết 2573 được 64 nước thành viên HĐBA (bao gồm cả Việt Nam) tham gia đồng bảo trợ. Đây là kết quả hiếm khi đạt được tại HĐBA, mỗi năm chỉ 1-2 văn kiện có số lượng nước đồng bảo trợ như vậy.
Theo Thứ trưởng Đặng Giang, Nghị quyết 2573 nêu rõ những quan điểm mà Việt Nam đã lồng ghép nhằm thúc đẩy cách tiếp cận toàn diện đối với giải quyết xung đột và xây dựng hòa bình bền vững, chạm đến những nhu cầu thiết yếu, căn bản nhất của người dân trong xung đột.
64 nước đồng bảo trợ Nghị quyết 2573 gồm: Angola, Áo, Bangladesh, Bỉ, Brazil, Canada, Trung Quốc, Costa Rica, Bờ Biển Ngà, Croatia, CH Czech, Đan Mạch, Djibouti, CH Dominican, Ecuador, Ai Cập, Estonia, Phần Lan, Pháp, Đức, Guatemala, Hungary, Iceland, Ấn Độ, Ireland, Italy, Nhật Bản, Kenya, Latvia, Lebanon, Lesotho, Liechtenstein, Luxembourg, Malaysia, Malta, Mauritania, Mexico, Mông Cổ, Morocco, Hà Lan, Niger, Na Uy, Pakistan, Peru, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Qatar, CH Moldova, Nga, Saint Vincent and the Grenadines, Serbia, Slovakia, Slovenia, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Tunisia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine, Anh, Mỹ, và Việt Nam. |
Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang chỉ ra 3 thông điệp lớn mà Việt Nam muốn gửi gắm qua Nghị quyết này.
Một là, tái khẳng định mạnh mẽ cam kết của HĐBA trong đảm bảo tuân thủ luật pháp quốc tế và tăng cường hợp tác quốc tế, khu vực trong vấn đề bảo vệ thường dân trong xung đột vũ trang.
Hai là, khẳng định sự cần thiết bảo vệ, khôi phục cơ sở hạ tầng và dịch vụ thiết yếu như điện, nước, lương thực…
Ba là, nhấn mạnh ngăn ngừa xung đột là giải pháp quan trọng trong bảo vệ thường dân, trong đó cần giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của xung đột như tình trạng đói nghèo, bất công, chính trị cường quyền, không tuân thủ luật pháp quốc tế đồng thời tiếp tục nỗ lực thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) để không ai bị bỏ lại phía sau.
“Nghị quyết này sẽ là một di sản của Việt Nam trong tháng Chủ tịch HĐBA nói riêng và trong cả nhiệm kỳ UVKTT nói chung”, Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh.
Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Hoàng Giang và các đại biểu tham dự Phiên thảo luận dầu cầu Hà Nội. |
Ba sự kiện điểm nhấn trong tháng đảm nhận cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc của Việt Nam (tháng 4/2021): - Phiên Thảo luận mở cấp cao trực tuyến về chủ đề “Tăng cường hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực trong thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa, giải quyết xung đột” ngày 19/4. - Phiên thảo luận mở cấp bộ trưởng trực tuyến về chủ đề “Khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình bền vững: Tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn” ngày 9/4. - Phiên họp thảo luận mở cấp bộ trưởng trực tuyến về chủ đề “Bảo vệ cơ sở thiết yếu đối với sự sống của người dân trong xung đột vũ trang” ngày 27/4. |