Thủ tướng Anh khẳng định sẵn sàng trừng phạt Nga nếu Moscow tấn công Ukraine. (Nguồn: News 18) |
Chính phủ Anh sẽ kiến nghị Quốc hội nước này áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những cá nhân và doanh nghiệp Nga liên quan.
Thủ tướng Johnson cho biết, Anh đang xem xét triển khai máy bay chiến đấu Typhoon của không quân và tàu chiến của hải quân tới bảo vệ khu vực Tây Nam châu Âu giữa lúc gia tăng căng thẳng với Nga liên quan Ukraine.
Anh cũng đang chuẩn bị củng cố nhóm chiến đấu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do nước này đứng đầu tại Estonia.
Theo ông Johnson, hai quan chức hàng đầu của chính phủ Anh là Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace và Ngoại trưởng Liz Truss có kế hoạch tới Moscow trong thời gian tới nhằm gia tăng sức ép đối với Nga.
Thủ tướng Anh cũng hoan nghênh tuyên bố của Đức về việc xem xét lại dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 từ Nga sang châu Âu trong trường hợp Moscow tấn công Ukraine.
Trước đó, cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Wallace thông báo, Anh sẽ triển khai thêm 350 binh sĩ tới Ba Lan "để thể hiện rằng chúng tôi có thể làm việc cùng nhau và đưa ra tín hiệu mạnh mẽ rằng London và Warsaw luôn đoàn kết”.
Các động thái diễn ra trong bối cảnh căng thẳng lên cao liên quan việc phương Tây và Kiev cáo buộc Nga có kế hoạch tấn công Ukraine khi triển khai lực lượng gần biên giới quốc gia Đông Âu này, trong khi Moscow luôn bác bỏ.
Trong một diễn biến khác, ngày 7/2, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho hay, liên minh này đang cân nhắc triển khai quân sự lâu dài tại Đông Âu để tăng cường khả năng phòng thủ.
Phát biểu trước báo giới tại Brussels, ông Stoltenberg tiết lộ, “đang có một quy trình được triển khai trong NATO”, song chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra liên quan việc điều chỉnh bố trí quân sự lâu dài của khối này tại sườn phía Đông.
Dự kiến, các bộ trưởng quốc phòng NATO sẽ nhóm họp trong 2 ngày 16-17/2 để thảo luận về việc tăng cường lực lượng.
Phương Tây đã hối thúc Moscow rút quân khỏi biên giới với Ukraine, nhất là nếu Nga muốn NATO giảm quy mô triển khai quân sự tại các nước thành viên phía Đông của liên minh này.
NATO hiện duy trì quân số “thường xuyên nhưng không thường trực” theo mô hình luân phiên xoay vòng tại một số nước thành viên phía Đông, từ khu vực biển Baltic đến Biển Đen.
Các quan chức phương Tây đã đề cập Hungary và Slovakia như những điểm đóng quân tiềm năng tiếp theo cho các binh sĩ NATO trong thời gian tới nhưng chưa có quyết định nào được công bố.
Ngoài số binh sĩ hiện có tại Ba Lan, trong tuần này, Mỹ đang triển khai thêm khoảng 1.700 quân nhân, chủ yếu thuộc Sư đoàn Không vận 82, tới quốc gia Đông Âu.