📞

Thủ tướng đặt câu hỏi về tầm nhìn ASEAN nếu "phụ nữ bị bỏ lại phía sau"

19:39 | 25/10/2018
“Liệu ASEAN của chúng ta có thể thực hiện thành công tầm nhìn ASEAN 2025 nếu phụ nữ và trẻ em gái không được bảo đảm cơ hội công bằng và bị bỏ lại phía sau?”.  

Đó là câu hỏi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Bộ trưởng Phụ nữ lần 3 với chủ đề “An sinh xã hội cho Phụ nữ và Trẻ em gái: Hướng tới tầm nhìn ASEAN 2025” diễn ra chiều nay (25/10) tại Hà Nội.

Hội nghị có sự tham dự của khoảng 150 đại biểu bao gồm đoàn đại biểu cấp Bộ trưởng và các quan chức cấp cao phụ trách các vấn đề phụ nữ và bình đẳng giới đến từ các nước thành viên ASEAN; đại diện Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế; đại diện một số bộ, ban, ngành Việt Nam.

Đây là hội nghị được tổ chức 3 năm một lần để các Bộ trưởng phụ trách vấn đề phụ nữ và bình đẳng giới của các nước ASEAN thảo luận việc thúc đẩy hợp tác về bình đẳng giới và tăng cường quyền năng cho phụ nữ.

Thủ tướng tin tưởng rằng, chúng ta không thể trở thành một Cộng đồng ASEAN tự cường, đoàn kết, sáng tạo, phát triển bền vững nếu thiếu sự tham gia quan trọng của phụ nữ và trẻ em gái. Để làm được điều này, mỗi người, mỗi trẻ em gái đều phải có quyền bình đẳng trong gia đình và xã hội, được học hành, được phát triển, được bảo vệ và được thực hiện những quyền năng chính đáng của mình.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: QH/VGP)

Tại Việt Nam, Chính phủ đã chủ động triển khai lồng ghép các sáng kiến ưu tiên vào các chương trình, đề án cấp quốc gia, nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và tăng cường an sinh xã hội cho phụ nữ và trẻ em gái. Hằng năm, Chính phủ dành một khoản 2,6% GDP trong các chính sách, chương trình trợ giúp xã hội, trong đó có phụ nữ và trẻ em gái.

Đặc biệt là nỗ lực thực hiện Luật Bình đẳng giới 2006 và Công ước của Liên Hợp Quốc về xóa bỏ các hình thức phân biệt, đối xử chống lại phụ nữ. Phụ nữ Việt Nam chiếm hơn 50% dân số, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động nữ đạt 70,7%/năm. Tỷ lệ phụ nữ làm chủ doanh nghiệp tăng, có tới 98% số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Tỷ lệ phụ nữ tham gia Quốc hội khóa 14 (2016-2021) đạt 27,1%, mức cao hơn khu vực và thế giới.

Trong khi đó, tỷ lệ lao động nữ tham gia bảo hiểm xã hội chiếm gần 50% trong tổng số người tham gia. Tỷ lệ phụ nữ là nhà nghiên cứu khoa học, chủ các đề án, đề tài cấp bộ, cấp nhà nước tăng lên rõ rệt.

Tuy nhiên, phụ nữ chiếm 45% lực lượng lao động ở khu vực Đông Nam Á nhìn chung vẫn giữ mức thu nhập thấp hơn so với nam giới trong cùng một công việc, chênh lệch trung bình tới 25% ở một số quốc gia.

Từ thực trạng đó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần chung tay hành động và có các giải pháp hiệu quả để nâng cao vị thế của phụ nữ trong thời gian tới.

“Một là đào tạo, tăng cường các kỹ năng mới cho phụ nữ. Hình thành mạng lưới học tập suốt đời tại ASEAN với sự biến đổi liên tục của nghề nghiệp trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Hai là bảo đảm việc làm bền vững cho tất cả mọi người, chấm dứt mọi rào cản đối với phụ nữ trong việc tiếp cận các nguồn lực nhất là việc làm. Ba là tăng cường an sinh xã hội cho phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt, thông qua việc hoàn thiện thể chế, luật pháp, chính sách bảo hiểm xã hội, mở rộng độ bao phủ đối với mọi đối tượng, bao gồm khu vực phi chính thức và người lao động di cư”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Đồng thời, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chúc mừng Bộ trưởng Philippines hoàn thành xuất sắc vai trò trong nhiệm kỳ qua và giao nhiệm cho ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong nhiệm kỳ mới là Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng phụ nữ ASEAN, góp phần thúc đẩy quyền và nhiệm vụ của trẻ em gái để hướng tới mục tiêu: Không ai bị bỏ lại phía sau.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, thời nay, phụ nữ được nhắc đến như những người tạo nên sự phát triển và góp phần to lớn vào quá trình xây dựng đất nước. Nhiều phụ nữ đã trở thành những chính trị gia, những người lãnh đạo quốc gia, những doanh nhân thành đạt, những nhà khoa học nổi tiếng…

Với việc 10 nước ASEAN đã sớm phê chuẩn Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), ASEAN đã đẩy mạnh nhiều hoạt động hợp tác nhằm hiện thực hóa quyền và vai trò của phụ nữ trong tất cả các mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội.

Nhiều cam kết chính trị đã được các nhà lãnh đạo cấp cao đưa ra trong suốt thời gian qua. Tiêu biểu, “Tuyên bố Hà Nội về Tăng cường Phúc lợi và Phát triển cho phụ nữ và trẻ em ASEAN” (2010); “Tuyên bố về Xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và Xóa bỏ bạo lực đối với trẻ em” (2013)…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh kỷ niệm cùng các đại biểu.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, song song với việc thực hiện các cam kết quốc tế cùng các văn kiện quan trọng của ASEAN ở cấp khu vực và quốc gia, Việt Nam cũng đã có nhiều sáng kiến nhằm tăng cường hơn nữa vài trò của phụ nữ.

Đặc biệt, phải kể đến sáng kiến của Việt Nam trong việc thành lập Mạng lưới Doanh nhân nữ ASEAN; điều phối dự án “Lồng ghép giới vào các chính sách lao động và việc làm nhằm thúc đẩy việc làm bền vững cho tất cả mọi người” trong kế hoạch làm việc của các Bộ trưởng Lao động ASEAN giai đoạn 2018 -2020. Những dự án này đều hướng tới mục tiêu chung của ASEAN nhằm tạo môi trường phát huy được những tiềm năng to lớn của họ trong lĩnh vực kinh tế, làm chủ doanh nghiệp và đời sống.

Tuy đã đạt được nhiều thành tựu trong bình đẳng giới và tăng cường quyền năng cho phụ nữ, các nước ASEAN vẫn còn phải đối mặt với rất nhiều thách thức như bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em còn phổ biến, khoảng cách thu nhập giữa nam và nữ, già hóa dân số, biến đổi khí hậu… Trong đó, phụ nữ và trẻ em gái sẽ là những đối tượng thiệt thòi hơn trong tiếp cận và thụ hưởng các cơ hội, nguồn lực.

"Do đó, tôi hy vọng với vai trò là những người đứng đầu các nước ASEAN phụ trách về tăng cường quyền năng cho phụ nữ. Chúng ta sẽ tăng cường hợp tác với cam kết chính trị cao trong việc tạo ra các phương pháp tiếp cận chiến lược nhằm bảo đảm an sinh xã hội cho phụ nữ và trẻ em gái”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.