Theo bà Merkel, Daimler có nhiều nhà đầu tư khác nhau, trong số đó có cả những người đến từ Kuwait. Điều quan trọng là việc đầu tư vẫn đảm bảo được mục tiêu chung là khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp ô tô Đức.
Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Nguồn: AP) |
Được biết, khoản đầu tư nói trên giúp ông Lý Thư Phúc trở thành cổ đông cá nhân lớn nhất của Daimler, tập đoàn có trụ sở tại thành phố Stuttgart thuộc bang Baden-Württemberg ở miền Tây Nam nước Đức và sở hữu nhiều thương hiệu ô tô, trong đó có Mercedes-Benz.
Trước đó, Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Brigitte Zypries khẳng định Chính phủ Đức sẽ xem xét việc mua cổ phần này, đồng thời cảnh báo Berlin cần đặc biệt thận trọng đối với các nhà đầu tư mới.
Phía Daimler cho biết sẽ xem xét kỹ kế hoạch của tỷ phú Trung Quốc nhằm bảo vệ các nhà máy hiện có của Daimler, cũng như đảm bảo việc làm cho những người lao động ở Đức.
Hiện tại, khoảng 65% cổ phần của Daimler thuộc về các quỹ đầu tư của Đức và châu Âu, 22,8% thuộc về các nhà đầu tư Mỹ, phần còn lại thuộc về các nhà đầu tư châu Á và một số nước khác trên thế giới. Daimler là tập đoàn sản xuất ô tô hiếm hoi của Đức không thuộc sở hữu của một gia đình.
Việc Trung Quốc ồ ạt đầu tư sang Đức nói riêng và châu Âu nói chung, trong đó có việc mua cổ phần hoặc mua lại nhiều công ty lớn, đã gây ra quan ngại về vấn đề tự do thương mại, an ninh quốc phòng cũng như chia rẽ trong nội bộ Liên minh châu Âu (EU).
Trước đây, Chính phủ Đức đã nhiều lần xem xét các thỏa thuận mua lại công ty Đức của nhà đầu tư Trung Quốc, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao, như vụ Trung Quốc mua lại công ty sản xuất robot công nghiệp Kuka vào năm 2016.
Tuần trước, Đức cũng tìm cách ngăn chặn Trung Quốc đầu tư vào 50Hertz, công ty điều hành mạng lưới điện ở vùng Đông Bắc của Đức.
Năm 2017, Chính phủ Đức được mở rộng quyền hạn trong việc kiểm soát các hồ sơ dự thầu mua lại công ty Đức từ các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong các ngành ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng quan trọng.
Trong khi đó, cuối năm 2016, Chính phủ Mỹ từng ngăn cản việc Quỹ Đầu tư Phúc Kiến (Fujian Grand Chip Investment Fund - FGC) của Trung Quốc mua lại công ty điện tử Aixtron của Đức do lo ngại các công nghệ cao sẽ được sử dụng vào mục đích sản xuất các thiết bị quốc phòng.