Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) được người đồng cấp nước chủ nhà Viktor Orban (phải) tiếp đón trong chuyến thăm Hungary ngày 19/8. (Nguồn: MTI) |
Ngày 19/8, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tới thị trấn Sopron (Hungary), cùng người đồng cấp nước chủ nhà Viktor Orban tham dự lễ kỷ niệm 30 năm “Chuyến Cắm trại Xuyên châu Âu” tại biên giới Hungary – Áo.
Tường cũ, tường mới
30 năm trước, hàng nghìn người Hungary và Áo đã tập trung tại đường biên giới hai nước, vốn chia cách giữa khối thân phương Tây và khối Xã hội Chủ nghĩa, để tổ chức một buổi “cắm trại” nhằm thể hiện tinh thần đoàn kết và hữu nghị, bất chấp sự hiện diện của Bức màn Sắt.
Quan trọng hơn, nhân sự kiện này, 700 người Đông Đức đã vượt biên sang Áo và đến Tây Đức mà không gặp phải bất kỳ sự ngăn cản nào từ biên phòng Hungary. Nó đã mở đầu cho làn sóng di cư từ Đông Đức sang Tây Đức với số lượng lên tới 60.000 người chỉ trong vòng ba tháng, tạo tiền đề dẫn tới sự sụp đổ của Bức tường Berlin, thống nhất nước Đức. Với ý nghĩa như vậy, một số sử gia cho rằng chính sự kiện này là “đòn chốt” phá sập Bức tường Berlin.
Tuy nhiên, chuyến thăm Hungary của Thủ tướng Đức Angela Merkel không chỉ để dự lễ kỷ niệm “Chuyến Cắm trại Xuyên châu Âu”. Nếu 30 năm trước, Hungary từng song hành cùng Tây Đức kéo sụp Bức màn Sắt thì giờ đây, Budapest lại là “bức tường mới” chắn đường Berlin giải quyết khủng hoảng người nhập cư tại lục địa già. Chính sách cứng rắn của Thủ tướng Viktor Orban đối với người tị nạn đã khiến bà Merkel nhiều lần đau đầu.
Hai bên thường xuyên khẩu chiến xung quanh vấn đề người nhập cư; với Berlin và Brussels cáo buộc Budapest “chuyên quyền”. Tháng trước, Liên minh châu Âu (EU) thông báo sẽ đưa Hungary ra toà sau khi Thủ tướng Viktor Orban siết chặt quy định dành cho người nhập cư, thông qua dự thảo luật để xét xử hình sự người giúp đỡ những đối tượng này. Brussels cũng khẳng định đang xem xét khai trừ Budapest vì vi phạm quy tắc của EU, khi không cấp đồ ăn cho người tị nạn bị từ chối nhập cảnh. Liệu chuyến đi tới Hungary có thay đổi được thực trạng này?
Một binh sỹ tuần tra gần ngôi làng Assothalom, khu vực biên giới Hungary - Serbia ngày 10/2/2016. (Nguồn: Reuters) |
Cần nhưng chưa đủ
Hai ngày trước hành trình tới Sopron, Thủ tướng Angela Merkel đã cảm ơn Hungary vì đã “đóng góp để biến giấc mơ thống nhất nước Đức thành hiện thực”. Đây là tuyên bố mềm mỏng hiếm thấy của nhà lãnh đạo Đức dành cho Hungary. Người Phát ngôn Thủ tướng Steffen Seibert thì thừa nhận “những khác biệt quan điểm” giữa hai nhà lãnh đạo trong một số vấn đề như chính sách nhập cư đã được biết đến từ lâu và sẽ được thảo luận trong dịp này.
Tuy nhiên, tín hiệu tích cực này là cần thiết, song chưa đủ để đảm bảo cho cuộc gặp suôn sẻ giữa Thủ tướng Đức và người đồng cấp chủ nhà Hungary.
Thứ nhất, sự thay đổi thái độ của Hungary trong vấn đề người nhập cư phản ánh sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tuý toàn cầu và khó có thể đảo ngược chỉ trong thời gian ngắn. Khảo sát đầu năm 2018 của Quỹ nghiên cứu xã hội chính trị Đức Friedrich Ebert Stiftung cho thấy 48% người dân Hungary không muốn thấy người nhập cư, đứng đầu khối EU và bỏ xa quốc gia xếp thứ hai là Estonia (29%). Thống kê cũng phản ánh nỗi sợ của công dân quốc gia này bị người nhập cư chiếm công ăn việc làm, gây tổn hại văn hoá bản địa, làm ảnh hưởng tới đời sống và đe doạ về mặt hình sự. Chính sách chống EU, bài ngoại của Thủ tướng Viktor Orban phản ánh rõ nét xu hướng đó. Chừng nào con số này không thay đổi theo chiều hướng tích cực, Berlin sẽ gặp tiếp tục gặp khó trong việc thuyết phục Budapest thay đổi lập trường.
Nó cũng lý giải tại sao nếu 30 năm trước, những người lính biên phòng Hungary từ chối nổ súng, giúp đoàn người nhập cư dễ dàng vượt biên sang Áo và Tây Đức thì 30 năm sau, chính họ lại sẵn sàng triển khai vũ lực trấn áp người nhập cư, từ chối tiếp nhận bất kỳ ai trong số 1.214 người được EU phân bổ vào Hungary.
Thứ hai, thảo luận là một chuyện, xong tìm kiếm điểm chung và hành động là câu chuyện hoàn toàn khác. Hơn một năm trước, ông Orban và bà Merkel từng đàm đạo, song không thể tìm kiếm điểm chung về vấn đề nhập cư. Phát biểu trong buổi họp báo tại Berlin ngày 4/7/2018, Thủ tướng Đức khẳng định: “Tôi tin rằng… và đây là điều khác biệt… Linh hồn của châu Âu là lòng nhân đạo. Nếu như chúng ta muốn gìn giữ tâm hồn đó… [châu Âu] không thể khép mình.” Tuy nhiên, ông Orban lại cho rằng chính Hungary đang ngăn người nhập cư tràn vào nước Đức và khẳng định: “Thật không công bằng khi Đức cho rằng chúng tôi không đoàn kết [với khối]”.
Thứ ba, với mối quan hệ kinh tế mật thiết với Budapest, Berlin luôn ở trong tình trạng “ném chuột sợ vỡ đồ”. Hungary là đối tác nước ngoài quan trọng nhất của Đức, trên tư cách nhà cung cấp lẫn khách hàng. Đổi lại, Berlin là nhà đầu tư số một của Budapest, với các khoản đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) đạt 22,1 tỷ Euro, chiếm gần 1/3 FDI quốc gia. Hơn 6.000 doanh nghiệp Đức, với nhiều tập đoàn nổi tiếng thế giới như Bosch, Audi, Mercedes-Benz, Siemens…, đã tạo công ăn việc làm cho 300.000 người Hungary.
Hợp tác kinh tế mật thiết cho thấy trừng phạt mạnh tay của Đức có thể “gậy ông đập lưng ông”. Căng thẳng quan hệ với đối tác chủ lực là di sản mà Thủ tướng Angela Merkel không mong muốn, khi người kế nhiệm bà, Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Tổng Thư ký đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) Annegret Kramp-Karrenbauer chưa “vững tay” chèo lái nước Đức.
Căng thẳng trong quan hệ với Hungary là di sản Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) không muốn để lại cho người kế nhiệm Annegret Kramp-Karrenbauer (phải). (Nguồn: DPA) |
Song với tư cách rường cột của EU và quốc gia tiên phong trong chính sách mở cửa đối với người nhập cư, Đức không thể làm ngơ khi Hungary phớt lờ quyết định chung và đi ngược lại với giá trị của khối. Tháo gỡ thế “tiến thoái lưỡng nan” này sẽ đơn giản hơn nếu bà Merkel nhận được cái gật đầu của ông Orban, song khả năng cho kịch bản như vậy là không nhiều, ít nhất là trong chuyến làm khách của Thủ tướng Đức trên đất Hungary ngày 19/8.