Tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz. |
Trả lời câu hỏi của các nghị sĩ Quốc hội Đức, ông Scholz nêu rõ: “Chúng tôi đang tích cực xem xét khả năng mới để hồi sinh định dạng Normandy cũng như nỗ lực giải quyết cuộc xung đột tại Ukraine".
Theo nhà lãnh đạo, cần quan tâm việc triển khai quân đội dọc biên giới Ukraine, bởi đây không chỉ là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh châu Âu mà nó liên quan đến cá nhân ông.
Người đứng đầu chính phủ Đức nói thêm, tuyên bố chung về tính bất khả xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia châu Âu là nền tảng an ninh của quốc gia.
Đức khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực cùng với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) và Mỹ khôi phục mọi phương thức đối thoại nhằm đảm bảo an ninh ở châu Âu.
Các cuộc đàm phán theo định dạng Normandy được thiết lập ngày 6/6/2014, thời điểm các nhà lãnh đạo Pháp, Đức, Nga và Ukraine gặp nhau nhân kỷ niệm 70 năm cuộc đổ bộ của các lực lượng đồng minh tại Normandy trong Thế chiến II.
Các cuộc đàm phán theo định dạng Normandy được thành lập để thảo luận về các giải pháp cho cuộc xung đột nổ ra ở miền Đông Ukraine.
Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Nga hy vọng các cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Scholz sẽ được lên lịch sau khi xem xét tình hình đại dịch Covid-19.
Dù chưa có kế hoạch nào về một cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo trong tháng 1, song, ông Peskov cho hay, không có "lo ngại" rằng cuộc đối thoại Nga-Đức ở cấp cao nhất sẽ bị ngừng lại.
Quan chức Điện Kremlin nói thêm: "Đức là đối tác rất quan trọng của chúng tôi, chúng tôi quan tâm đến sự phát triển quan hệ song phương và hy vọng, với việc xem xét tình hình dịch tễ, các cuộc tiếp xúc giữa Tổng thống với Thủ tướng Đức sẽ được lên kế hoạch và thành hiện thực".