Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cùng lãnh đạo các bộ, ngành làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thái Nguyên. |
Thái Nguyên là tỉnh vùng trung du miền núi Bắc bộ, thuộc vùng Quy hoạch xây dựng Thủ đố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trên địa bàn tỉnh có Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa; Khu du lịch Quốc gia Hồ Núi Cốc và trên 800 điểm di tích, trong đó có 252 điểm là di tích lịch sử.
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác về kết quả thực hiện nhiệm vụ của Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020, ông Vũ Hồng Bắc, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch mạnh sang công nghiệp - xây dựng. Theo đó, tỉnh có 6 khu công nghiệp, diện tích gần 1.500 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 65%, trong đó có Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam - Thái Nguyên thuộc tập đoàn Samsung Hàn Quốc.
Trong 19 chỉ tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra trong nhiệm kỳ này thì đến nay đã đạt và vượt tiến độ 18 chỉ tiêu. Năm ngoái, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 12,75%, nửa đầu năm nay ước đạt khoảng 9,85%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 68 triệu đồng. Nửa đầu năm nay, thu ngân sách tỉnh ước đạt trên 7.000 tỷ đồng, bằng gần 54% kế hoạch năm. Tỉnh Thái Nguyên phấn đấu trước năm 2020 có thể tự cân đối thu chi ngân sách.
Về môi trường đầu tư kinh doanh, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đứng thứ 15/63 tỉnh, thành và hiện có trên 6.300 doanh nghiệp, tổng vốn đầu tư gần 80 nghìn tỷ đồng. Thái Nguyên còn là trung tâm đào tạo lớn thứ 3 của cả nước với 9 trường đại học, trên 25 trường cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp; 52 cơ sở dạy nghề với khoảng 140 nghìn học sinh, sinh viên trong và ngoài nước.
Góp ý với Thái Nguyên về các giải pháp phát triển kinh tế xã hội, lãnh đạo các bộ, ngành cho rằng, về trung hạn, Thái Nguyên cần tính toán nuôi dưỡng nguồn thu, bởi vừa qua nguồn thu tập trung nhiều vào thu từ đất đai. Cùng với đó là chú ý phát triển dựa vào lợi thế là cây chè, nông nghiệp công nghệ cao. Tỉnh cũng cần thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp; khai thác các danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử để phát triển du lịch…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng đánh giá cao những kết quả kinh tế xã hội mà Thái Nguyên đạt được với cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tăng trưởng kinh tế cao, thu ngân sách và thu nhập bình quân đầu người cao, là điểm sáng thu hút đầu tư nước ngoài. Thủ tướng đánh giá cao Thái Nguyên là một trong 3 tỉnh đứng đầu cả nước về Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2017; đồng tình với định hướng của Thái Nguyên, phát triển thành Trung tâm đào tạo lớn thứ 3 của cả nước.
Bên cạnh kết quả tích cực đạt được, Thủ tướng cũng nêu lên những khó khăn mà Thái Nguyên gặp phải, trong đó, môi trường đầu tư dù cải thiện nhưng một số chỉ số suy giảm, như chỉ số gia nhập thị trường đứng thứ 56/63; chi phí thời gian 45/63. Khối doanh nghiệp dân doanh nặng lực cạnh tranh thấp và chưa có sự kết nối tốt với doanh nghiệp FDI.
Công nghiệp chế biến của tỉnh còn yếu, nhất là chế biến nông, lâm, ngư nghiệp, chưa tạo ra những sản phẩm tốp đầu quốc gia. Tiềm năng phát triển du lịch, dịch vụ lớn nhưng quy mô giá trị còn rất nhỏ. Nhiều dự án trên địa bàn tỉnh từ nhiều năm nhưng chưa triển khai hoặc tiến độ chậm, trong đó có tồn tại của Khu gang thép Thái Nguyên kéo dài nhiều năm qua, ảnh hưởng đến thương hiệu của tỉnh.
Do đó, trong thời gian tới, để Thái Nguyên phát triển mạnh mẽ hơn nữa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gợi ý tầm nhìn phát triển cho tỉnh.
"Tôi đề nghị tỉnh Thái Nguyên cần tập trung nhìn nhận một cách nghiêm túc để có tầm nhìn lớn hơn, sâu rộng hơn trong phát triển, để chúng không những phát triển bền vững mà có bước phát triển tốc độ cao hơn, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Vì các đồng chí là trung tâm của vùng. Với tốc độ như hiện nay và sắp tới đây yêu cầu về đóng góp chung cho đất nước rất lớn. Phải xây dựng Thành phố Thái Nguyên thành một trung tâm lớn về nhiều mặt ở khu vực, kể cả hạ tầng và dịch vụ"- Thủ tướng nhấn mạnh.
Cùng với yêu cầu Thái Nguyên trở thành địa phương mẫu mực về phát triển bền vững cả kinh tế, xã hội và môi trường, Thủ tướng mong muốn Thái Nguyên phát triển mạnh mẽ để đóng góp vào sự phát triển đất nước, trong đó tỉnh cần sớm phấn đấu cân đối được ngân sách.
"Tôi rất vui mừng Thái Nguyên sẽ tự cân đối được ngân sách trước năm 2020, tức là có thể là năm 2018 hoặc năm 2019. Nếu chúng ta có một quyết tâm, xem xét các chỉ tiêu tăng trưởng của sự phát triển kinh tế, mà tuyên bố cuối năm 2018 này công bố được ngân sách thì Chính phủ, các bộ, ngành sẽ đánh giá rất cao quyết tâm chính trị này của các đồng chí. Để có thể các đồng chí là tỉnh thứ 16 trong cả nước tự cân đối được ngân sách. Mà tại sao lại không? Hoàn toàn có thể được nếu như chuyển dịch cơ cấu mạnh mẽ hơn, nhất là khu du lịch Hồ Núi Cốc được đầu tư, thu hút khách du lịch"- Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng cũng mong muốn Thái Nguyên cần phấn đấu trở thành trung tâm dịch vụ và sáng tạo hàng đầu ở phía Bắc; đa dạng hóa phát triển kinh tế với các trụ cột nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, du lịch, dịch vụ. Trong đó, với sản phẩm chè, Thủ tướng cho rằng cần phát triển ngành chè thành một chuỗi giá trị toàn cầu từ sản xuất và tiêu dùng để không chỉ nổi tiếng cả trong nước và Châu Á mà cả thế giới sử dụng chè Thái Nguyên.
Với tầm nhìn mới, Thủ tướng cho rằng, Thái Nguyên cần tiếp tục hoàn thiện, điều chỉnh quy hoạch kinh tế xã hội theo hướng hiện đại, bền vững, có độ mở cao, kết nối với trong nước và quốc tế. Trong đó, Hồ Núi Cốc không phải chỉ là du lịch trong nước mà phải là tour kết nối quan trọng với hạ tầng tốt.
Với việc tỉnh đã có Trung tâm sản xuất công nghệ cao Samsung, Thủ tướng đề nghị tỉnh phân tích những ảnh hưởng của Samsung đối với phát triển kinh tế xã hội của địa phương, từ đó tìm biện pháp phát triển doanh nghiệp dân doanh trên địa bàn, kết nối các doanh nghiệp này vào mạng sản xuất của Samsung. Cùng với đó là xem xét giải quyết những thách thức như giao thông, lao động, các vấn đề xã hội, trong đó có tình trạng học sinh nghỉ học sớm đi làm công nhân cho Samsung.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng cũng đã cho ý kiến về một số kiến nghị của tỉnh về việc ưu tiên đầu tư khai thác điểm du lịch Hồ Núi Cốc, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và nâng cao năng lực đào tạo cho Đại học Thái Nguyên, hình thành trung tâm y tế khu vực Đông Bắc tại tỉnh Thái Nguyên, điều chỉnh nhiệm vụ của Hồ Núi Cốc thành “Du lịch, nông nghiệp, sình hoạt, đô thị, công nghiệp, nuôi trồng thủy sản, phòng chống lũ” để hỗ trợ tỉnh xây dựng Khu du lịch Quốc gia Hồ Núi Cốc thành tuyến du lịch liên kết các tỉnh trong thời gian sớm nhất.