Thủ tướng Hungary Viktor Orban (trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gặp nhau ở thủ đô Kiev ngày 2/7. (Nguồn: Reuters) |
Tuần trước, ông Orban đã đến thăm Ukraine và Nga để hội đàm và sau đó, đến Bắc Kinh gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 8/7, mô tả chuyến đi bất ngờ này là chặng thứ 3 của một “sứ mệnh hòa bình”.
Sau Trung Quốc, ông Orban sẽ đến Washington D.C để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), diễn ra từ ngày 9-11/7.
Trang tin Telex của Hungary dẫn phản ứng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rõ: "Thông điệp của tôi gửi tới Orban là ông ấy không có quyền làm bất cứ điều gì thay mặt cho Ukraine hoặc châu Âu mà không hỏi ý kiến những người liên quan".
Theo Tổng thống Zelensky, chỉ những nền kinh tế hùng mạnh hoặc các quốc gia có lực lượng vũ trang mạnh hơn nhiều so với Nga mới có thể thực hiện nhiệm vụ hòa giải.
Ông nói: "Có nhiều quốc gia như vậy trên thế giới không? Không nhiều. Tôi tin rằng Mỹ và Trung Quốc là những quốc gia như vậy. Và Liên minh châu Âu (EU), không phải một quốc gia, mà là toàn bộ EU. Đó mới thực sự có thể là một sứ mệnh trung gian".
Tổng thống Zelensky tái khẳng định, Kiev vẫn để ngỏ các đề xuất từ các nước khác về cách định hình con đường dẫn đến hòa bình, nhưng phải phù hợp với tầm nhìn của Ukraine, đặc biệt là kế hoạch hòa bình 10 điểm.
Nhà lãnh đạo bày tỏ hy vọng sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh quốc tế lần thứ 2 xem xét các đề xuất hòa bình vào cuối năm nay. Trung Quốc, quốc gia có quan hệ chặt chẽ với Moscow, đã không tham dự cuộc họp đầu tiên vào tháng 6 tại Thụy Sỹ.
Trong khi đó, cùng ngày, hãng tin Reuters dẫn lời cố vấn Mykhail Podolyak của Tổng thống Zelensky nhận định, lời kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức trong xung đột kéo dài 28 tháng qua sẽ chỉ thúc đẩy Nga thực hiện các cuộc tấn công tiếp theo.
Hôm 8/7, Thủ tướng Viktor Orban và Chủ tịch Tập Cận Bình đã cùng trao đổi sâu rộng về cuộc xung đột tại Ukraine.
Nhà lãnh đạo Hungary cho biết, Budapest luôn mong muốn hòa bình và cuộc xung đột quân sự ở nước láng giềng Ukraine diễn ra trong hơn 2 năm qua đã có tác động nhất định tới nước này.
Hungary, hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU, ủng hộ và đánh giá cao kế hoạch của Trung Quốc nhằm giải quyết xung đột Ukraine, coi đất nước châu Á là cường quốc chủ chốt góp phần tạo điều kiện cho hòa bình trong cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc đánh giá cao nỗ lực của Thủ tướng Hungary trong việc thúc đẩy giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine và nêu chi tiết các quan điểm cũng như các đề xuất liên quan của Bắc Kinh.
Nhấn mạnh việc sớm đạt được lệnh ngừng bắn và giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng sẽ đảm bảo lợi ích của tất cả các bên, ông Tập Cận Bình kêu gọi cộng đồng quốc tế tạo điều kiện và hỗ trợ nối lại đối thoại, đàm phán trực tiếp giữa hai bên, đặc biệt là các nước lớn cần tạo ra những động lực tích cực để sớm đạt được lệnh ngừng bắn.