Hiện các lực lượng bảo vệ bờ biển Italy vẫn đang tiếp tục công tác tìm kiếm, cứu nạn sau vụ chìm thuyền chở người di cư ngoài khơi vùng Calabria (Italy) ngày 26/2. Tính đến ngày hôm qua, vẫn còn khoảng 20 người mất tích ngoài vùng biển này - Ảnh minh họa. (Nguồn: AP) |
Ngay sau vụ đắm tàu ngày 26/2 làm ít nhất 63 người di cư thiệt mạng ngoài khơi miền Nam Italy, Thủ tướng Meloni đã bày tỏ sự đau buồn sâu sắc, đồng thời khẳng định chính phủ nước này cam kết sẽ ngăn chặn nạn di cư trên biển để tránh xảy ra những thảm kịch tương tự.
Trong buổi họp báo ngày 27/2 vừa qua, bà Meloni đã cho biết: “Cách duy nhất để giải quyết vấn đề này một cách nghiêm túc, và với lòng nhân đạo, là ngăn chặn những cuộc ra đi”. Theo bà, càng có nhiều người di dời khỏi một quốc gia để đến vùng đất mới, càng có nhiều nguy cơ tử vong.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nội vụ Italy Matteo Piantedosi cũng chia sẻ, chính phủ nước này đã cam kết mở ra các kênh di cư hợp pháp.
Đề cập đến "các hành lang nhân đạo" - một sáng kiến do các nhóm Cơ đốc giáo điều hành, ông Piantedosi tiết lộ, đã có hơn 600 người di cư được đưa đến Italy bằng máy bay từ tháng 10/2022, khi chính phủ của bà Meloni lên nắm quyền. Cũng trong khoảng thời gian đó, có ít nhất 41.000 người di cư đã đến Italy bằng thuyền.
Trong nhiều năm nay, Italy là một trong những điểm đến hàng đầu của những người di cư tìm cách vượt Địa Trung Hải để sang các nước châu Âu. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những tuyến đường di cư nguy hiểm nhất thế giới.
Theo Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), 20.333 người đã bỏ mạng hoặc mất tích tại khu vực này kể từ năm 2014. Từ đầu tháng 1/2023 đến nay, ước tính đã có hơn 220 người thiệt mạng, cũng như mất tích, khi vượt biển để đến với miền đất mới.