Theo Thủ tướng Modi, thời đại của chủ nghĩa bành trướng đã chấm hết. Bây giờ là thời đại của sự phát triển. (Nguồn: AFP) |
Theo ông Modi, suốt nhiều thế kỷ qua, chủ nghĩa bành trướng đã gây tổn hại nhất cho thế giới, tuy nhiên: "Thời đại của chủ nghĩa bành trướng đã chấm hết. Bây giờ là thời đại của sự phát triển".
Đề cập vụ đụng độ đẫm máu hồi tháng trước ở biên giới tranh chấp với Trung Quốc, Thủ tướng Modi nói: "Tôi xin gửi lời chia buồn đến các binh sĩ đã hy sinh ở thung lũng Galwan. Kẻ thù của chúng ta đã nhìn thấy lửa thịnh nộ của các bạn.. Sự quả cảm của các bạn và đồng đội đã gửi đến toàn thế giới thông điệp về sức mạnh thực sự của Ấn Độ".
Theo ANI, Trung Quốc cùng ngày đã phản ứng với tuyên bố trên của Thủ tướng Modi, cho rằng việc coi Bắc Kinh là kẻ bành trướng là “vô căn cứ”.
Phát biểu trên mạng Twitter, người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Ấn Độ nêu rõ: “Trung Quốc đã phân định biên giới với 12 trong số 14 quốc gia láng giềng thông qua đàm phán hòa bình, biến biên giới trên bộ trở thành mối liên kết cho sự hợp tác hữu nghị. Thật không có cơ sở khi coi Trung Quốc là ‘kẻ bành trướng’, phóng đại và bịa đặt tranh chấp với các nước láng giềng".
Trong diễn biến liên quan, Bộ trưởng Năng lượng Ấn Độ Raj Kumar Singh cho biết, nước này sẽ không nhập khẩu thiết bị năng lượng từ Trung Quốc và Pakistan
Phát biểu hội thảo trực tuyến, ông Singh nói: "Ấn Độ nhập khẩu thiết bị năng lượng trị giá 710 tỷ Rupee (9,4 tỷ USD), bao gồm nhập khẩu 210 tỷ Rupee (2,8 tỷ USD) từ Trung Quốc ... Đây là những gì chúng tôi không thể cho phép khi nước này xâm chiếm lãnh thổ của chúng tôi ... chúng tôi sẽ không mua bất cứ thứ gì từ Trung Quốc và Pakistan".
Ông cũng lưu ý, các công ty nhà nước không được đặt hàng các công ty Trung Quốc cung cấp thiết bị. Trước đó, ông Singh nói rằng, Ấn Độ sẽ kiểm tra tất cả các thiết bị điện mua ở nước ngoài, bao gồm cả ở Trung Quốc, để tìm phần mềm độc hại và virus Trojan.
Căng thẳng trong vấn đề biên giới ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế của hai nước. Đặc biệt, Ấn Độ dự định loại trừ gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei tham gia thử nghiệm mạng 5G.
Trước đó, chính quyền Ấn Độ đã cấm sử dụng 59 ứng dụng di động được phát triển ở Trung Quốc và muốn tăng cường kiểm soát hàng hóa Trung Quốc chuyển đến nước này qua các nước ASEAN.
Ngược lại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, Bắc Kinh sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích hợp pháp của các công ty tại Ấn Độ.