Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev. |
Dự kiến tại Hà Nội, Thủ tướng Dmitry Medvedev sẽ có cuộc hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Trong chuyến thăm, dự kiến hai bên sẽ thảo luận các vấn đề bức thiết trong hợp tác Nga-Việt về thương mại, đầu tư, công nghiệp và năng lượng.
Ngoài ra hai bên sẽ xem xét tiến độ thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng chung, các dự án công nghệ cao, giáo dục và nhân đạo, bao gồm cả việc tổ chức năm chéo "Nước Nga và Việt Nam" vào năm 2019.
Chuyến thăm của Thủ tướng Nga diễn ra trong bối cảnh quan hệ chính trị Việt – Nga có độ tin cậy cao và không ngừng được củng cố. Trao đổi đoàn cấp cao diễn ra thường xuyên, tạo động lực mạnh mẽ cho việc phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Ngày 30/1/1950, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết (Liên Xô) chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Ngày 16/6/1994, Việt Nam và Liên bang Nga ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga, đặt nền móng và cơ sở pháp lý cho quan hệ trong giai đoạn phát triển mới. Năm 2001, Việt Nam và Nga ký Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược.Năm 2012, Việt Nam và Nga ra Tuyên bố chung về tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.
Về hợp tác kinh tế - thương mại Việt Nam - Liên bang Nga thời gian qua phát triển năng động, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng hai nước. Kim ngạch thương mại năm 2017 đạt 3,55 tỷ USD (nhập khẩu 1,38 tỷ, xuất khẩu 2,17 tỷ). Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Nga gồm: điện thoại, may mặc, nông, thủy, hải sản các loại…; các mặt hàng nhập khẩu chính gồm: xăng dầu, sắt thép, phân bón, máy móc, thiết bị các loại…
Trong lĩnh vực đầu tư, hiện Nga đứng thứ 23 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 116 dự án và tổng số vốn đăng ký 990 tỷ USD. Đầu tư của Nga tập trung chủ yếu vào lĩnh vực dầu khí, công nghiệp, chế tạo, khai khoáng, giao thông vận tải, viễn thông, nuôi chồng và đánh bắt hải sản. Việt Nam có 22 dự án đầu tư sang Nga với tổng vốn gần 3 tỷ USD, chủ yếu của các dự án Liên doanh dầu khí Rusvietpetro và Gazpromviet, Trung tâm Văn hóa - Thương mại Hà Nội – Mát-xcơ-va và Chăn nuôi bò sữa và nông nghiệp của Tập đoàn TH.
Thủ tướng Nga Medvedev gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. (Nguồn: SPUTNIK) |
Trong những năm qua, Việt Nam – Nga luôn hợp tác tích cực và hiệu quả trong lĩnh vực năng lượng. Đây là lĩnh vực hợp tác truyền thống chiến lược và hiệu quả, đem lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách Việt Nam và Nga. Hai nước đã đạt được thỏa thuận tiếp tục hợp tác trong việc xây mới và hiện đại hóa các công trình năng lượng tại Việt Nam.
Việt Nam – Nga còn hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực văn hóa - du lịch; giáo dục - đào tạo; an ninh – quốc phòng, khoa học – công nghệ; địa phương...
Hiện nay, tại Nga cộng đồng người Việt Nam có khoảng 60-80 nghìn người đã tồn tại và làm ăn, sinh sống tại Nga gần hai thập kỷ. Cộng đồng người Việt Nam tại Nga có những đóng góp đáng kể cho đất nước, luôn đi đầu trong các hoạt động từ thiện. Tại Liên bang Nga đã thành lập các tổ chức của người Việt như Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga, Hội doanh nghiệp, Hội Cựu chiến binh, Hội sinh viên tại Mát-xcơ-va, Hội Văn học Nghệ thuật, Hội Khoa học Kỹ thuật, Hội Y Dược, Hội võ thuật, các Hội đồng hương…
Trong những năm qua, với cơ sở điều ước pháp lý mới cho quan hệ hợp tác Việt – Nga đã được tạo dựng khá đầy đủ và đang tiếp tục hoàn thiện với nhiều hiệp định được kí kết. Từ năm 1991 đến nay đã có trên 100 văn kiện hợp tác được ký kết thuộc tất cả lĩnh vực như kinh tế - thương mại, đầu tư, dầu khí, điện hạt nhân, giáo dục - đào tạo, văn hóa – khoa học, kỹ thuật quân sự.
Ông Dmitry Medvedev từng thăm Việt Nam 3 lần, lần đầu tiên là vào năm 2010 với tư cách Tổng thống Nga, lần thứ hai vào năm 2012 và lần gần nhất là vào năm 2015 với tư cách Thủ tướng Nga.