Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các gian trưng bày sản phẩm công nghệ tại Diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin-truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Summit) 2018. |
Nhìn lại hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới. Tuy nhiên, để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, chúng ta phải thay đổi phương thức tăng trưởng đang phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu thô và mở rộng tín dụng, chi phí nhân công giá rẻ… Câu trả lời đã có từ các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, chỉ trong vài thập kỷ gần đây đã dựa vào phát triển công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông, để “hoá rồng”. Và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư dựa trên nền tảng của nhiều công nghệ mới mà cốt lõi là công nghệ số ICT, cũng đang mở ra cơ hội to lớn cho Việt Nam có thể đi nhanh hơn và theo kịp xu thế của các nước phát triển.
Năm 2018, ngành công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) ước đạt doanh thu khoảng 98,9 tỷ USD tăng trưởng 8%, trong đó công nghiệp phần cứng - điện tử đạt 88 tỷ USD, công nghiệp phần mềm 4,3 tỷ USD, dịch vụ CNTT 5,7 tỷ USD, và công nghiệp nội dung số trên 800 triệu USD. Tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành đạt 94 tỷ USD, xuất siêu khoảng 26 tỷ USD. Năm 2018, công nghiệp CNTT ước tính đóng góp gần 50.000 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước và tạo việc làm cho hơn 1 triệu lao động.
Nhưng những kết quả trên mới chỉ là bước đầu và đang rất cần những lực đẩy mạnh mẽ từ Nhà nước, các cơ sở nghiên cứu khoa học và cộng đồng DN để có thể hình thành các hệ sinh thái DN công nghệ Việt Nam. Ở đó, DN công nghệ Việt Nam dùng công nghệ của nhân loại để giải quyết vấn đề Việt Nam, bài toán Việt Nam, trước khi giải quyết các bài toán toàn cầu.
Trong tiến trình “Make in Vietnam” (Làm tại Việt Nam), các DN công nghệ chủ động toàn bộ quá trình sáng tạo, thiết kế, tích hợp sản phẩm, dịch vụ, giải pháp phát triển công nghệ mới. “Make in Vietnam” tập trung trước hết vào công nghiệp công nghệ đã xác định mũi đột phát để tận dụng tối đa cơ hội từ sự phát triển chưa từng có của khoa học công nghệ, từ đó tạo động lực mới cho cả nền kinh tế.
Tại diễn đàn, các diễn giả sẽ chia sẻ thực trạng ứng dụng và phát triển công nghệ Việt Nam để giải quyết các bài toán của Việt Nam, các bài toán sản xuất kinh doanh cần giải pháp công nghệ trong thời gian tới. Thành công của một số doanh nghiệp công nghệ Việt Nam giúp các tổ chức, doanh nghiệp đổi mới sản phẩm, dịch vụ; trong việc thay đổi mô hình hoạt động, quản trị, đem lại hiệu quả cao.
Đặc biệt là thực trạng và đề xuất chính sách để thúc đẩy phát triển công nghệ Việt Nam, DN công nghệ và hệ sinh thái tương ứng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Các giải pháp kết nối DN công nghệ với các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế như nông nghiệp, y tế, dịch vụ công,…
Kinh nghiệm quốc tế trong việc phát triển doanh nghiệp công nghệ cũng như kinh nghiệm phát triển kinh tế xã hội dựa vào phát triển doanh nghiệp công nghệ.
Tại Diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin-truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Summit) 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra thời đại mới trong tiến trình phát triển của nhân loại - thời đại số được dự báo tác động mạnh mẽ lên mọi hoạt động của Chính phủ và toàn xã hội. Đây chính là cơ hội lịch sử song đầy thách thức đối với công cuộc cải cách và phát triển đất nước.
Vì vậy, có thể nói sự hiện diện của người đứng đầu Chính phủ tại diễn đàn khẳng định cam kết mạnh mẽ trong thúc đẩy sự phát triển DN công nghiệp công nghệ tại Việt Nam trong các lĩnh vực: Nghiên cứu phát triển, sản xuất phần cứng điện tử, phần mềm, nội dung số; khởi nghiệp công nghệ; đầu tư cho nghiên cứu phát triển công nghệ… nhằm phát huy tối đa lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong thời đại kinh tế số.
Quyết tâm thực hiện mục tiêu ứng dụng và phát triển công nghệ, xây dựng cộng đồng 100.000 DN công nghệ Việt Nam, góp phần đưa kinh tế Việt Nam bứt phá, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045.