Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Hà Lan. (Nguồn: VGP) |
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Hà Lan, chiều 12/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Hà Lan.
Cùng dự có lãnh đạo các bộ, ngành và đông đảo doanh nghiệp hai nước.
Chủ tịch Phòng Thương mại Hà Lan Franken Peter nêu rõ, Việt Nam-Hà Lan có mối quan hệ hữu nghị lâu đời, có nhiều điểm tương đồng, có giấc mơ, tham vọng phát triển bền vững. Hà Lan là đối tác thương mại và là nhà đầu tư lớn của châu Âu vào Việt Nam. Đối với các công ty Hà Lan, Việt Nam là một điểm nhấn và các công ty Việt Nam cũng đang tìm kiếm cơ hội ở Hà Lan.
Bộ trưởng phụ trách Ngoại thương và Hợp tác phát triển Vương quốc Hà Lan Liesje Schreinemacher phát biểu. (Nguồn: VGP) |
Bộ trưởng phụ trách Ngoại thương và Hợp tác phát triển Vương quốc Hà Lan Liesje Schreinemacher cho rằng, Việt Nam là nước phát triển năng động, nông nghiệp phát triển, cơ sở hạ tầng bền vững. Quan hệ thương mại hai bên đã có từ lâu, đến nay càng vững mạnh hơn, hướng đến nền kinh tế phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Hai nước còn có nhiều điều phải học hỏi nhau và Diễn đàn này sẽ mở đầu quá trình mang lại lợi ích cho cả hai bên.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, trong 50 năm quan hệ, cả hai nước Việt Nam và Hà Lan đã có bước phát triển vượt bậc. Hà Lan từ một nước nông nghiệp, thực hiện công nghiệp hóa gắn với đô thị hóa và nay là phát triển dựa trên đổi mới, sáng tạo gắn với đô thị thông minh. Cũng trong thời gian đó, Việt Nam trải qua các cuộc chiến tranh, bị cấm vận và thực hiện công cuộc đổi mới đất nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Sau 35 năm đổi mới, Việt Nam từ nước có thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 100 USD/năm, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chỉ đạt 4 tỷ USD, nhưng nay, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 4.000 USD và GDP cả nước đạt 400 tỷ USD.
Đặc biệt, sau 2 năm phòng chống dịch Covid-19, từ đầu năm 2022, dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Nhờ đó, Việt Nam có điều kiện phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, đạt được nhiều kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.
Về quan hệ Việt Nam-Hà Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong 50 năm quan hệ hợp tác, bản chất hợp tác giữa hai nước có những chuyển biến, từ chỗ Hà Lan hỗ trợ Việt Nam, nay hai nước hợp tác cùng phát triển.
Quan hệ Việt Nam-Hà Lan có nền tảng chính trị tốt. Các doanh nghiệp Hà Lan đầu tư vào Việt Nam đứng đầu châu Âu và đang có hiệu quả.
Việt Nam đã ký kết 15 Hiệp định thương mại tự do với trên 60 nước với hầu hết các thị trường lớn trên thế giới. Việt Nam ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; có môi trường hòa bình và quan hệ hữu nghị với tất cả các nước trên thế giới.
Thủ tướng chỉ rõ: “Đây là những nền tảng vững chắc để các nhà đầu tư Hà Lan tiếp tục đầu tư vào Việt Nam”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Hà Lan. (Nguồn: TTXVN) |
Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, thế giới đang đứng trước những vấn đề có tính chất toàn cầu, nên cần kêu gọi đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương. Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam là nước đang phát triển, do đó, cần có công bằng, công lý trong các vấn đề mang tính toàn cầu. Bên cạnh đó, những vấn đề nổi lên đều tác động đến toàn dân nên cần có cách tiếp cận toàn dân.
Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để thực hiện mục tiêu đó, Việt Nam xác định 3 đột phá chiến lược gồm thể chế, nguồn nhân lực, hạ tầng chiến lược.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các doanh nghiệp, đối tác nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp, đối tác Hà Lan hỗ trợ Việt Nam các nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Trong đó, các tổ chức tài chính cần có ưu đãi lãi suất, hỗ trợ Việt Nam chuyển giao khoa học, công nghệ hiện đại, chuyển giao kinh nghiệm, khoa học quản trị tiên tiến; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; hoàn thiện thể chế phù hợp với điều kiện Việt Nam và hội nhập quốc tế...
Trên nguyên tắc hợp tác là “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, “hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp, Nhà nước”, Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư Hà Lan thấu hiểu chủ trương của Đảng, Nhà nước Việt Nam để đầu tư, mở rộng đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực nông nghiệp, logistics, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số...
Chính phủ Việt Nam sẵn sàng chia sẻ với các doanh nghiệp, nhất là trong lúc khó khăn; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện thể chế chính sách để phù hợp với điều kiện, lợi ích của tất cả các bên.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến lễ trao Bản ghi nhớ giữa Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Tập đoàn Giáo dục Lentiz. (Nguồn: VGP) |
Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Hà Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu chứng kiến các doanh nghiệp, đối tác Việt Nam và Hà Lan ký kết các văn bản hợp tác như: Tập đoàn Hùng Nhơn và Tập đoàn Hoàng gia De Heus ký kết hợp tác về Quan hệ hợp tác và đối tác chiến lược toàn diện giữa hai tập đoàn; Thỏa thuận hợp tác về đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ giữa Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Hiệp hội hợp tác kinh doanh nông nghiệp Hà Lan-Việt Nam giai đoạn 2022-2027; Bản ghi nhớ giữa Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Đại học Wageningen, Vương quốc Hà Lan; Bản ghi nhớ giữa Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Tập đoàn Giáo dục Lentiz...