Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam. (Nguồn: Vietnamnet) |
Nếu như năm 2019, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam mới chỉ được Brand Finance định giá là 274 tỷ USD, năm 2020 là 319 tỷ USD tăng 29%, năm 2021 là 388 tỷ USD tăng 21%, thì năm 2022 đã là 431 tỷ USD, tăng 11%.
Sự gia tăng lớn về giá trị thương hiệu của Việt Nam tương quan với việc quốc gia này đang ngày càng được nhận định là một nơi an toàn và ổn định để đầu tư khi mà nhiều nhà sản xuất tìm cách điều chuyển các hoạt động ở châu Á để tới Việt Nam.
Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm nay và dự kiến kế hoạch năm 2024, Thủ tướng thông tin, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý III đạt 5,33%, tính chung 9 tháng đạt 4,24%. Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm.
Xuất nhập khẩu tăng dần qua các tháng, 9 tháng xuất siêu gần 22 tỷ USD. Giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 9 đạt 51,38% kế hoạch, cao hơn 4,68% so với cùng kỳ, về số tuyệt đối cao hơn khoảng 110.000 tỷ đồng; vốn FDI thực hiện đạt khoảng 16 tỷ USD, tăng 2,2%. Vốn đầu tư ra nước ngoài cấp mới và điều chỉnh đạt 416,8 triệu USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ.
Thủ tướng nhấn mạnh: "Đặc biệt, nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế nước ta và dự báo Việt Nam sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới; giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD, tăng một bậc lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới".
Báo cáo của công ty tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới - Brand Finance - cũng cho thấy, giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam đã tăng tới 11% trong năm 2022, từ 388 tỷ USD lên 431 tỷ USD
Về tốc độ tăng trưởng giá trị thương hiệu quốc gia, Việt Nam tiếp tục được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia toàn cầu và là thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới là 74% trong giai đoạn 2019-2022.
Trước đó, tại lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022 với chủ đề "Kiến tạo tương lai", Thủ tướng Phạm Minh Chính từng nhận định, Việt Nam còn nhiều việc phải làm, nỗ lực hơn duy trì thương hiệu trên cơ sở xây dựng niềm tin thương hiệu bằng chất lượng, giá trị sản phẩm, đạo đức kinh doanh, chuẩn mực, tính nhân văn, trách nhiệm xã hội...
Trong bối cảnh nhiều cạnh tranh chiến lược, cạnh tranh kinh tế thương mại, việc giành thị trường, tài nguyên, công nghệ, thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng quyết liệt đặt ra nhiều thách thức, Thủ tướng khẳng định sẽ thực hiện nhất quán chủ trương xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hiệu quả.
"Do đó, cần thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, xây dựng nâng tầm thương hiệu quốc gia có ý nghĩa chiến lược", Thủ tướng nêu quan điểm.
Thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các doanh nghiệp tập trung khai thác tốt hơn tiềm năng thế mạnh, tận dụng mạnh mẽ thị trường nội địa và thúc đẩy xuất khẩu, kết hợp xây dựng thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu quốc gia, tạo giá trị gia tăng. Đồng thời, yêu cầu doanh nghiệp tích cực tìm kiếm mở rộng thị trường quốc tế, tạo gia tăng cao hơn khi tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Không ngừng củng cố nâng cao uy tín, chất lượng thương hiệu, nâng cao quản trị tiên tiến, công khai minh bạch.