Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ công bố Chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025. (Nguồn: TTXVN) |
Phát biểu tại lễ ra mắt, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cùng với việc mở cửa lại trường học trên phạm vi cả nước, đây là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần khẳng định sự quan tâm và quyết tâm lớn của Đảng và Nhà nước trong việc nâng cao chất lượng hoạt động chăm sóc, bảo vệ trẻ em, học sinh, dành những tình cảm tốt nhất có thể cho thế hệ tương lai của đất nước.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới giáo dục, đào tạo và bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân nói chung và sức khỏe học đường nói riêng. Cùng với sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, từng gia đình và nhà trường đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, cải thiện đáng kể điều kiện học tập, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em.
Thủ tướng cũng đã dành nhiều thời gian chỉ ra những hạn chế, khó khăn, thách thức như tình trạng bạo lực học đường vẫn tiếp diễn, sự phát triển mạnh mẽ của các trò chơi trực tuyến làm giảm sự quan tâm của các em đối với hoạt động thể chất. Chương trình học còn nặng về kiến thức và thiếu các kỹ năng sống, hay cơ sở vật chất tại các trường học còn hạn chế.
Thủ tướng đặt ra những việc cụ thể “cần chung tay giải quyết sớm và quyết liệt”, gồm:
Cải thiện điều kiện vật chất, cơ sở trường học, tăng cường xây dựng quy hoạch các điểm trường đảm bảo hợp lý, khoa học, chất lượng ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Tiếp tục cải thiện hệ thống nhà vệ sinh trường học và cơ sở vật chất để các cháu có không gian rèn luyện sức khỏe, chú trọng dạy các kỹ năng sinh tồn cho trẻ, nhất là có giải pháp giảm tỷ lệ trẻ đuối nước.
Cải thiện bữa ăn, chế độ dinh dưỡng cho trẻ, đặc biệt ở những khu vực ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19.
Giảm tải chương trình học, trước hết là ở bậc tiểu học để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, tránh ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý của trẻ.
Thủ tướng cũng đã giao nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan, địa phương, đồng thời huy động sự tham gia của các tổ chức, triển khai lồng ghép với các đề án, chương trình, kế hoạch liên quan nhằm đẩy mạnh hoạt động chăm sóc toàn diện, đồng bộ về thể chất, tinh thần cho trẻ em, học sinh
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, chương trình Sức khoẻ học đường giai đoạn 2021-2025 xác định 5 nhóm nội dung và 7 nhóm giải pháp về chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khoẻ, trẻ em, học sinh; giáo dục thể chất và hoạt động thể thao học đường; tổ chức bữa ăn học đường, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, giám sát, thống kê, báo cáo; tuyên truyền, giáo dục sức khỏe học đường trong trường học.
Mỗi nội dung được giao chỉ tiêu đánh giá cụ thể như: đến năm 2025, 100% trường học có tổ chức bữa ăn học đường và căng tin trường học, bảo đảm các điều kiện về vệ sinh, an toàn thực phẩm theo quy định, sử dụng sữa học đường theo tiêu chí, tiêu chuẩn được quy định trong Chương trình Sữa học đường quốc gia…; 100% học sinh được tuyên truyền, giáo dục về sức khỏe và nâng cao kiến thức phòng, chống bệnh, tật học đường, bệnh không lây nhiễm và sức khỏe tâm thần; giáo dục về dinh dưỡng hợp lý, thực phẩm lành mạnh, an toàn; 100% trường học có đủ giáo viên giáo dục thể chất và được tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ…
Trong những năm qua, một số chương trình, dự án cũng đã đưa vào trường học nhằm chăm sóc và bảo vệ sức khỏe trẻ em, học sinh như phòng chống dịch bệnh, tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng, vệ sinh thực phẩm... nhưng với phạm vi riêng lẻ, không đồng bộ, triển khai trên một số địa phương, trường học.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức công bố. (Nguồn: TTXVN) |
Tại sự kiện đã diễn ra Lễ ký kết chương trình phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế về công tác y tế trường học, chăm sóc sức khỏe trẻ em, học sinh, sinh viên giai đoạn 2022 – 2026 và lễ ký kết chương trình phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giai đoạn 2022 – 2026.
Cùng với những nội dung thiết thực, ý nghĩa, Chương trình Sức khoẻ học đường giai đoạn 2021-2025 cũng tạo cơ chế chính sách, đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm thu hút sự tham gia đầu tư của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước; huy động các nguồn lực tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ phục vụ cho việc chăm sóc sức khỏe học sinh.
Lễ công bố cũng chính thức kích hoạt chuỗi hoạt động truyền thông sức khỏe học đường, với sự phối hợp các bộ, ban ngành, cơ quan liên quan, các đơn vị báo chí từ trung ương tới địa phương và trên 41.950 trường học trên cả nước.
Được triển khai trong 5 năm, hoạt động truyền thông sức khỏe học đường được triển khai với chiến lược đa kênh, đa nền tảng, đa phương tiện với nhiều hoạt động thiết thực: series chương trình truyền hình Sức khỏe học đường; các cuộc thi, sự kiện, hoạt động ngoại khóa cho học sinh; các buổi hội thảo, tập huấn về sức khoẻ học đường cho giáo viên, nhân viên y tế trường học; cung cấp những bộ học liệu chuẩn cho hơn 22 triệu học sinh cả nước, từ đó kết nối gia đình – nhà trường và cộng đồng trong mục tiêu chung vì một Việt Nam khoẻ mạnh.
Hơn 22 triệu học sinh (tương đương 25% dân số Việt Nam) được chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay từ trong trường học. Điều này sẽ tiết kiệm được khoản kinh phí lớn dành cho công tác điều trị, giảm bớt gánh nặng của bệnh tật cho gia đình và toàn xã hội, cải thiện tầm vóc, chất lượng giống nòi.
Nguồn kinh phí tiết kiệm được sẽ tăng cường cho đầu tư phát triển. Học sinh có sức khỏe tốt sẽ học tập tốt và thành đạt hơn trên con đường học vấn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Với thông điệp “Trường học an toàn, học sinh khỏe mạnh”, lần đầu tiên tại Việt Nam, một chương trình quy mô, thiết thực và ý nghĩa về sức khoẻ học đường với sự tổng thể, chính thống và toàn diện được thực hiện, cùng với đó là những trách nhiệm và hi vọng lớn lao về những ngôi trường an toàn, thân thiện cho trẻ em, học sinh.