📞

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm UAE: Nâng tầm quan hệ song phương, ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện

Hà Phương 07:34 | 27/10/2024
Nhân dịp Thủ tướng Phạm Minh Chính có chuyến thăm chính thức UAE, Đại sứ Việt Nam tại UAE Nguyễn Thanh Diệp đã chia sẻ với TG&VN về ý nghĩa chuyến thăm cũng như các cơ hội hợp tác giữa hai nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng thống UAE Mohammed bin Zayed Al Nahyan nhân chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN-GCC tại Saudi Arabia, sáng 20/10/2023. (Nguồn: TTXVN)

Xin Đại sứ cho biết ý nghĩa và những nội dung trọng tâm trong chuyến thăm chính thức UAE lần này của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính?

Đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đến Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) sau 15 năm, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc củng cố tin cậy chính trị; nâng tầm quan hệ của Việt Nam cả về chiều rộng và chiều sâu với UAE, tạo động lực, mở rộng giai đoạn hợp tác mới giữa Việt Nam với UAE, đặc biệt trong thu hút đầu tư của UAE vào Việt Nam và tạo bước đột phá cho hàng hoá, dịch vụ của Việt Nam tiếp cận thị trường vùng Vịnh.

"Đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đến Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) sau 15 năm, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc củng cố tin cậy chính trị; nâng tầm quan hệ của Việt Nam cả về chiều rộng và chiều sâu với UAE".

Trong chuyến thăm, hai bên sẽ trao đổi các nội dung trọng tâm sau: khẳng định coi trọng quan hệ song phương, nâng cấp quan hệ lên tầm cao mới; tăng cường hợp tác tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế và khu vực; ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam-UAE (CEPA) giữa Việt Nam và UAE, tạo đột phá trong quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư hai nước; đẩy mạnh giao lưu nhân dân, tăng cường hợp tác an ninh, giáo dục, lao động, biến đổi khí hậu và môi trường và các lĩnh vực khác; thúc đẩy ký kết các văn kiện hợp tác nhằm củng cố khuôn khổ pháp lý cho hợp tác song phương.

Xin Đại sứ cho biết triển vọng về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam-UAE (CEPA) giữa hai nước. Chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ thúc đẩy như thế nào tiến trình của Hiệp định?

UAE là một trong những trung tâm thương mại, tài chính của khu vực cũng như thế giới, có vị trí chiến lược nằm tại cửa ngõ giao thương giữa ba châu lục Á-Âu-Phi. Nền kinh tế UAE thời gian qua luôn có mức tăng trưởng ổn định với thu nhập bình quân đầu người đạt mức rất cao. Nhờ có chính sách cởi mở, môi trường kinh doanh thông thoáng, UAE trở thành một thị trường trung chuyển quốc tế quan trọng qua đường hàng hải và hàng không.

Trong những năm qua, Việt Nam luôn xuất siêu sang thị trường UAE với giá trị trên 4 tỷ USD/năm. Trong cơ cấu giao thương giữa 2 nước, nhập khẩu của Việt Nam từ UAE chiếm khoảng 8-10% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu; xuất khẩu từ Việt Nam sang UAE chiếm trên 90%. Bên cạnh với vai trò là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam tại khu vực Trung Đông, với vị trí chiến lược là trung tâm tái xuất khẩu hàng đầu trong khu vực, UAE còn là trạm trung chuyển hàng hóa, giúp đưa các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam tiếp cận các thị trường khác trong khu vực Trung Đông và châu Phi.

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (CEPA) Việt Nam-UAE là hiệp định FTA đầu tiên Việt Nam đàm phán với một nước Arab ở khu vực Trung Đông-châu Phi. Hiệp định CEPA có ý nghĩa và triển vọng to lớn, là một cột mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và UAE, mở ra một giai đoạn mới về hợp tác chiến lược chung trong nhiều lĩnh vực giữa Việt Nam và UAE.

Hiệp định CEPA sẽ là căn cứ pháp lý, tạo ra một nền tảng mới nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác chung về kinh tế giữa hai nước, thông qua việc giảm hoặc xóa bỏ thuế quan đối với nhiều loại hàng hóa và dịch vụ; tạo ra cơ hội tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, thúc đẩy dòng vốn FDI và tạo ra các cơ hội mới trên một số lĩnh vực quan trọng cho cộng đồng doanh nghiệp của cả hai nước.

Dự báo hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, kinh tế, công nghiệp, năng lượng, logistics, nông nghiệp và cơ sở hạ tầng, công nghệ cao, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo, hợp tác lao động… sẽ được thúc đẩy khi tiến trình CEPA mở ra.

Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính có ý nghĩa rất quan trọng đối với tiến trình của Hiệp định CEPA. Trước chuyến thăm, hai bên đã tích cực thúc đẩy các vòng đàm phán, trên cơ sở hai bên cùng có lợi, tiến tới ký kết Hiệp định CEPA trong khuôn khổ chuyến thăm.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao UAE Sheikh Abdullah bin Zayed Al Nahyan tháng 6/2023.

Thời gian qua, nhiều đoàn doanh nghiệp UAE đã sang thăm và tìm hiểu về thị trường Việt Nam, Đại sứ đánh giá như thế nào về góc nhìn của doanh nghiệp UAE đối với thị trường Việt Nam?

Qua trao đổi, các nhà đầu tư và doanh nghiệp UAE đánh giá cao cơ hội và môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam. Doanh nghiệp UAE quan tâm và hoan nghênh việc Việt Nam đã thực hiện nhiều cải cách và chính sách mở cửa thị trường, từ việc ký kết các hiệp định thương mại tự do đến tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực, qua đó ngày càng nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh.

Ngoài ra, doanh nghiệp UAE đánh giá cao Việt Nam có môi trường chính trị, xã hội ổn định; có tiềm lực và quy mô nền kinh tế càng lớn mạnh; đánh giá cao nỗ lực cải cách của Việt Nam, nỗ lực xây dựng và hoàn thiện thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh; nhấn mạnh Việt Nam trở thành điểm sáng trong khu vực Đông Nam Á.

Các doanh nghiệp UAE trong các lĩnh vực như dầu khí, xây dựng cảng biển, logistics, năng lượng tái tạo… đều nhấn mạnh mong muốn tìm hiểu cơ hội đầu tư và mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Với tiềm năng phát triển các ngành công nghiệp mới và thị trường đa dạng, năng động của Việt Nam, doanh nghiệp UAE hy vọng sẽ có nhiều các dự án được triển khai trong tương lai, phù hợp với thế mạnh và định hướng phát triển chung.

Doanh nghiệp UAE mong muốn Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công, cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư; áp dụng các chính sách thuế ưu đãi dành cho nhà đầu tư UAE như miễn thuế lợi nhuận hoặc giảm thuế trong một khoảng thời gian nhất định; xem xét miễn visa cho công dân và các nhà đầu tư UAE để tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển, nghiên cứu thị trường.

Các doanh nghiệp UAE đều hy vọng và tin tưởng, việc ký kết CEPA, Việt Nam-UAE sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp UAE thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác với đối tác Việt Nam các lĩnh vực thương mại, đầu tư, kinh tế, công nghiệp, năng lượng, logistics, nông nghiệp và cơ sở hạ tầng, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo…

Đại sứ Việt Nam tại UAE Nguyễn Thanh Diệp tiếp kiến Phó Tổng thống UAE Sheikh Mansour bin Zayed Al Nahyan. (Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại UAE)

Được biết, các doanh nghiệp UAE đang triển khai những dự án hợp tác cụ thể trong lĩnh vực Halal với đánh giá rất tích cực về Việt Nam, dự kiến trong năm nay sẽ xây dựng trung tâm thực phẩm Halal đạt chuẩn tại Việt Nam. Tiến trình này đã được triển khai ra sao và tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này là gì, thưa Đại sứ?

UAE là quốc gia hàng đầu thế giới về chỉ số Hồi giáo toàn cầu trong nhiều lĩnh vực như thực phẩm Halal, du lịch, thời trang, truyền thông, giải trí và tài chính Hồi giáo cùng nhiều lĩnh vực khác. Hiện thị trường Halal toàn cầu có quy mô với hơn 2 tỷ người Hồi giáo. Nền kinh tế Halal dự kiến đạt 7.700 tỷ USD vào 2025 và tăng lên 10.000 tỷ USD trước 2030. Dân số Hồi giáo dự báo đạt gần 3.000 tỷ người vào 2050, chiếm gần 30% dân số toàn cầu. Mức chi tiêu, sử dụng sản phẩm Halal của các nước Hồi giáo có xu hướng ngày càng tăng, mở rộng phạm vi ngoài quốc gia theo đạo Hồi.

Các doanh nghiệp UAE đang triển khai những dự án hợp tác cụ thể trong lĩnh vực Halal với Việt Nam và đánh giá rất tích cực về tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực này với Việt Nam. Phía UAE đánh giá cao việc Việt Nam đã xây dựng định hướng chiến lược về phát triển ngành Halal đến năm 2030, trong đó có Đề án về "Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030".

Các doanh nghiệp UAE cho rằng việc Việt Nam thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia, hoàn thiện các quy định pháp lý và tiêu chuẩn về Halal quốc gia; ký một số thỏa thuận hợp tác về Halal với các đối tác Hồi giáo và phi Hồi giáo, các cơ quan từ trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội Việt Nam ngày càng quan tâm đầu tư, sản xuất và mở rộng xuất khẩu sang thị trường Halan UAE nói riêng và Halal toàn cầu là những bước đột phá quan trọng thúc đẩy hợp tác Halal trong thời gian tới. Việc xây dựng trung tâm thực phẩm Halal đạt chuẩn tại Việt Nam đang được tích cực thúc đẩy và sẽ sớm hoàn thành trong thời gian tới.

Với khẳng định của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị "Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam" do Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức ngày 22/10: "Việt Nam mong muốn phát triển ngành Halal thực sự trở thành một ngành thế mạnh, đưa Việt Nam trở thành một điểm đến không thể thiếu trong bản đồ Halal toàn cầu, một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ Halal trên thế giới", cùng với quyết tâm, nỗ lực của các cơ quan, bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp… chắn chắn trong thời gian tới, hợp tác Halal giữa Việt Nam và UAE sẽ tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ, góp phần đưa quan hệ hợp tác, hữu nghị hai nước lên một tầm cao mới.